Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng

1. Định vị chính xác tọa độ của lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt

Địa chỉ: đường Vạn Thành, Tà Nùng, thành phố Đà Lạt

Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần

Giá vé: hoàn toàn miễn phí

Nằm yên bình trên một ngọn đồi thoáng đãng có diện tích 16ha nơi thành phố mộng mơ, lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt là một trong số các di tích kiến trúc có liên quan đến triều nhà Nguyễn, bên cạnh những Dinh 1 Đà Lạt (Dinh Bảo Đại), Dinh 2, Dinh 3 hay Biệt điện Nam Phương Hoàng Hậu.

Xem thêm: Dinh 2 Đà Lạt (Dinh Toàn Quyền Decoux) – Dinh thự xa hoa lộng lẫy giữa đồi thông

Tuy là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, thế nhưng trong những năm về trước, lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt không phải là điểm tham quan được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, khi mọi người thường có ý định tìm kiếm những địa điểm tham quan nổi tiếng khác tại địa phương, lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt lại trở thành một trong những gợi ý hàng đầu với khung cảnh hữu tình, thơ mộng và mang đậm màu sắc thời gian.

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 2

Không gian trầm mặc, nhuốm màu thời gian nơi lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt. Ảnh: Minh Đức

2. Bạn có thể di chuyển đến lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt bằng các loại phương tiện nào?

Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng độ tầm 2km về phía Tây và gần với khu vực Thác Cam Ly Đà Lạt, thế nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt bằng các loại phương tiện như xe máy, xe ô tô hoặc taxi đều được. Giá cho một chiều đi dao động trong khoảng tầm 50.000 VNĐ.

Nếu như bạn có ý định đi bằng xe máy để có thể chủ động hơn về mặt thời gian, vậy thì lưu ngay lộ trình mà Chiasene.com bật mí ngay sau đây vào cuốn sổ tay Cẩm nang du lịch nhé! Xuất phát từ khu vực Chợ Đà Lạt, bạn đi theo lộ trình như sau: Nguyễn Văn Cừ – Đường 3 tháng 2 – Hoàng Văn Thụ. Bỏ qua ngã ba đoạn đi đến Làng hoa Vạn Thành, bạn chạy thẳng thêm một đoạn là sẽ nhìn thấy cổng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt. Có một điều bạn nên lưu ý là đường lên lăng là đường đá, chỉ thích hợp cho xe máy đi thôi. Nếu như đi ô tô, bạn có thể đậu xe tại cổng, sau đó đi bộ lên thì cũng không quá xa lắm đâu nè.

3. Đôi nét về ông Nguyễn Hữu Hào, người an nghỉ nơi lăng tẩm giữa rừng sâm nghiêm

Ông Nguyễn Hữu Hào là thân phụ của Nam Phương Hoàng Hậu. Vốn trước kia, ông là đại điền chủ giàu có gốc Tiền Giang. Sau này, khi kết hôn cùng bà Lê Thị Bình, ái nữ của ông Huyện Sỹ giàu nhất xứ Nam Kỳ lúc bấy giờ, ông mới sinh được hai người con gái, tức là bà Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ của vua Bảo Đại, đồng thời là Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến nước ta. Ít ai biết, ông cũng là người cho xây dựng Biệt điện Nam Phương Hoàng Hậu, ngày nay là Bảo tàng Lâm Đồng, dành tặng con gái làm của hồi môn.

Sinh thời, ông rất yêu mảnh đất Đà Lạt, thậm chí gia đình ông cũng là chủ sở hữu của hàng loạt những dinh thự có vị thế đẹp tại đây. Những ngày cuối đời, vợ chồng ông chỉ sống ở đây mà rất hiếm khi trở về cố hương. Vào năm 1937, khi lâm bênh nặng và biết sẽ khó lòng qua khỏi, ông Nguyễn Hữu Hào đã đưa ra nguyện vọng được chôn cất tại chính mảnh đất thân thương này. Lúc bấy giờ, vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đã cho xây dựng khu lăng tẩm này trong vòng liên tục 4 năm để làm nơi an nghỉ cho cha mẹ của mình.

4. Những điều đặc biệt xoay quanh lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt có thể bạn chưa biết

4.1 Ngọn đồi nơi xây dựng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt là nơi có phong thủy long mạch

Vốn biết Quốc trượng khó lòng qua khỏi, lúc bấy giờ, vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đã cho mời các thầy phong thủy để tìm thế đất lý tưởng làm nơi xây cất lăng tẩm. Lúc này, ngọn đồi cao phía Tây Nam thành phố có diện tích rộng 4ha, được bao quanh bởi những hàng thông sừng sững ngút ngàn, nằm đối diện với Thác Cam Ly đã được lựa chọn. Không chỉ chú trọng về phần địa thế của nơi xây lăng, phần cổng trước của lăng cũng được xây theo hướng về trung tâm thành phố.

4.2 Là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc cung đình xứ Huế giữa lòng Đà Lạt

Trong số các di tích liên quan đến triều Nguyễn vẫn còn tồn tại giữa lòng thành phố ngàn hoa cho đến tận ngày nay, có thể nói chỉ có lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt là sở hữu lối kiến trúc đặc trưng của cung đình Huế với dáng dấp uy nghi, bề thế.

Không gian lăng mang đậm màu sắc phương Đông với bốn phần mái được vót công, gợi hình ảnh như một đóa hoa sen đang hé nở. Điều này giúp cho tổng thể lăng vẫn giữ được trọn vẹn nét thanh thoát nhưng cũng không đánh mất đi tính trang nghiêm, kín đáo cần thiết của một công trình kiến trúc tâm linh. Trong khi đó, phần cổng lăng lại nổi bật hơn với bốn cột trụ thẳng đứng trang nghiêm, được trang trí hoa sen cùng hai con chó ngao cách điệu ở phần đỉnh, còn bên cạnh là hai cặp đối do chính tay Nam Phương Hoàng Hậu đề tự.

Để có thể lên được lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt, bạn sẽ phải vượt qua con đường độc đạo với 158 bậc thang có tên gọi là Nhất chính đạo. Con đường được xây dựng thẳng tắp từ khu vực cổng chính với độ dốc vừa phải, bảo đảm mọi người có thể đi qua một cách dễ dàng trước khi viếng thăm khu lăng tẩm chính. Bên cạnh đó, có một điều đặc biệt là trong suốt 158 bậc thang ấy, cứ cách từ 9 đến 13 bậc là sẽ có một chiếu nghỉ. Nếu muốn đến được khu vực trung tâm của lăng tẩm, đồng thời là nơi an táng thi hài của vị Quận công và Nhị phẩm phu nhân, bạn sẽ phải đi ngang qua một sân tế, sau đó leo thêm 13 bậc thang dẫn lên khu vực sân chầu trước khi đi hết 20 bậc thang cuối cùng.

Ngoài ra, trong suốt hành trình đi lên lăng, bạn sẽ được đi trên con đường với hai bên là hàng thông ngút ngàn mọc một cách ngay ngắn, trật tự. Nếu đi vào đúng mùa hoa dã quỳ nở rộ, khung cảnh hai bên đường còn rực rỡ hơn cả với những khóm hoa vàng rực cùng cỏ dại, rong rêu phủ lên bậc thang. Lúc bấy giờ, trông lăng tuy hoang vắng và nhuốm màu thời gian nhưng cũng vẫn còn đó sự uy linh vốn có.

Khu lăng tẩm chính được làm hoàn toàn từ gạch tô đá rửa. Khu vực này được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình Huế với phần mái được đúng bê tông cốt thép hoàn toàn và được vát cong, có phần xòe rộng cùng lợp ngói lưu ly. Ngoài ra, ở phần giữa đỉnh mái còn được đặt một cây thánh giá theo đúng tôn giáo của vị quận công năm xưa.

Phần mộ của ông Nguyễn Hữu Hào và Nhị phu nhân được đặt song song với nhau trong cùng một tòa lăng, đồng thời được xây dựng hoàn toàn từ đá xanh nguyên khối. Ngoài ra, trên khắp ngôi mộ còn được chạm trổ với các chi tiết trang trí hoa văn tinh tế và công phu, giúp tôn vinh lên sự quyền uy, quý tộc.

Trong khi đó, ở phần giữa của hai ngôi mộ là bàn cúng được tạc hoàn toàn từ đá xanh, chỉ đáng tiếc là hiện nay đã bị trộm mất, phải thay thế bằng bàn đá đúc bằng xi măng khi trùng tu. Ngoài ra, trong lăng còn có hai văn bia tạc trên đá để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục do chính hai vị con gái của ông Nguyễn Hữu Hào cho người dựng nên.

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 3

Ấn tượng khung cảnh lăng Nguyễn Hữu Hào nhìn từ trên cao. Lăng được xây với một lối Nhất chính đạo thẳng tắp hướng thẳng về phía trung tâm lăng

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 4

Cổng chính dẫn vào lăng với 4 trụ cao tạc hình hoa sen và chó ngao cách điệu. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 5

Con đường Nhất chính đạo dẫn vào khu lăng mộ với 158 bậc thang

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 6

Nhất chính đạo là con đường duy nhất đi vào lăng với chung quanh là hàng thông xanh rì, góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp nhuốm màu thời gian cho nơi này. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 7

Hai con sư tử đá được đặt ở bậc cuối cùng trước khi tiến vào tham quan khu chính của quần thể lăng tẩm Quận công Nguyễn Hữu Hào và bà Nhị phu nhân Lê Thị Bình. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 8

Phần mái được vót cong, có nét tương đồng với những công trình lăng tẩm, cung đình nơi cố đô Huế. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 9

Khoảnh sân phía trước nơi an nghỉ của vợ chồng Quận công với tấm bia đá. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 10

Tấm bia đá được tạc hoàn toàn bằng chữ Hán đặt ở khoảnh sân phía trước nơi an nghỉ của vợ chồng Quận công đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 11

Gian thờ tự phía sau mộ của Quận công Nguyễn Hữu Hào và Nhị phu nhân Lê Thị Bình. Hiện nay, quần thể lăng tẩm đã được trùng tu nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc ban đầu. Ảnh: Thanh Thùy

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 12

Con đường ngập tràn sắc vàng của dã quỳ. Khung cảnh nên thơ biến nơi đây trở thành điểm đến của các tín đồ đam mê khám phá các vùng đất mới. Ảnh: Minh Đức

Ấn tượng lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với kiến trúc cung đình Huế đặc trưng 13

Bởi vì là quần thể lăng tẩm nên bạn chú ý lựa chọn trang phục lịch sự, gọn gàng khi đến vãn cảnh lăng Nguyễn Hữu Hào nhé. Ảnh: ST

Vốn vẫn chưa thu phí vé vào cổng, chính vì lẽ đó lăng Nguyễn Hữu Hào vẫn là một trong những địa điểm sống ảo miễn phí ở Đà Lạt thu hút sự chú ý của nhiều người. Chính không gian yên bình với rừng thông bạt ngàn, trùng điệp cùng những khóm hoa dã quỳ rực rỡ mỗi khi đến mùa hoa nở đã giúp cho lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt trở thành điểm đến lý tưởng của bao con người muốn tìm chút bình yên. Bạn ơi, trong hành trình khám phá thành phố ngàn hoa sắp tới, nếu vẫn chưa biết đi đâu thì lăng Nguyễn Hữu Hào cũng chính là một gợi ý không tệ tí nào.

Bạn có thích bài viết này?

6.3k Points
Upvote Downvote
Đăng ký
Thông Báo Khi
guest
0 Comments