1. Sự ra đời của lễ hội Kỳ Yên Bến Tre
1.1 Nguồn gốc hình thành lễ hội Kỳ Yên Bến Tre
Lễ hội Kỳ Yên đã có mặt từ rất lâu trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt Nam nói chung và bà con xứ dừa Bến Tre nói riêng. Khi người Việt di dân đến phương Nam để khẩn hoang, lập ấp đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn cùng các hiểm họa khôn lường. Lúc bấy giờ, để cầu mong cuộc sống bình yên, ấm no, những người dân ở Nam Bộ thường làm lễ cúng bái, cầu an tại các ngôi đình, đặt trọn niềm tin của mình vào các vị thánh thần. Dần về sau, tập tục này đã phát triển thành lễ hội Kỳ Yên như hiện nay. Lễ hội Kỳ Yên Bến Tre nhìn chung cũng mang những nét tương đồng với các tỉnh thành khác, tuy nhiên vẫn thể hiện được màu sắc văn hóa đặc trưng ở xứ dừa.
1.2 Ý nghĩa của lễ hội Kỳ Yên Bến Tre
Lễ hội Kỳ Yên Bến Tre là ngày giỗ hội của làng với mục đích chính là tế bái thần Thành hoàng để cầu mong quốc thái dân an, thôn xóm thịnh vượng, cuộc sống no ấm và cũng là ngày người dân trong làng cùng nhau họp mặt bàn chuyện, vui chơi. Bên cạnh đó, lễ hội tại Bến Tre này còn là dịp để những người làm vườn giới thiệu loại trái cây mới hoặc người làm ruộng chia sẻ các giống nếp ngon qua tài nấu ăn, thổi xôi của chị em phụ nữ trong vùng.
Xem thêm: Lễ hội Dừa Bến Tre, sự kiện tôn vinh loài cây đặc trưng của tỉnh
Lễ hội Kỳ Yên Bến Tre là một nét tín ngưỡng lâu đời, được hình thành từ tục thờ thần trong thời khai hoang, lập ấp khi người Việt di dân về vùng Nam Bộ. Ảnh: Viet Fun Travel
2. Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Kỳ Yên Bến Tre
Hiện nay, lễ hội Kỳ Yên Bến Tre được tổ chức tại hơn 100 ngôi đình ở khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quy mô lớn và đặc sắc nhất phải kể đến lễ hội Kỳ Yên ở đình Phú Lễ thuộc địa phận huyện Ba Tri. Theo lời người dân địa phương, lễ hội Kỳ Yên Bến Tre diễn ra hai lần trong năm, lần thứ nhất là vào dịp thượng điền (trung tuần tháng 11, tháng 12 âm lịch) còn lần thứ hai vào dịp hạ điền (trung tuần tháng 3, tháng 4 và tháng 5 âm lịch). Lễ hội thường kéo dài 3 ngày và lúc này mọi người trong làng sẽ tạm gác lại công việc của mình để cùng tham dự.
Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức hai lần trong năm, gồm thượng điền và hạ điền tại hơn 100 đình làng trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ảnh: Bazan Travel
3. Lễ hội Kỳ Yên Bến Tre có gì đặc sắc?
Tương tự như lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre, lễ hội Kỳ Yên cũng bao gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội.
3.1 Phần lễ
Ở lễ hội Kỳ Yên Bến Tre, phần lễ được cử hành hết sức long trọng và trang nghiêm tại chính ngôi đình thờ thần của làng. Trong phần lễ bao gồm nhiều nghi thức như rước Sắc thần về đình, thay khăn, dâng hương, dâng trà, dâng rượu, đọc bài văn tế và cảm tạ thần Thành Hoàng, các Tiền hiền, Hậu hiền cùng các vị thần Hổ, thần Nông, ông Nam Hải, bà Ngũ Hành… đã che chở, phù hộ cho dân làng có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Những người thực hiện tế lễ hoặc tham gia vào các nghi thức tế lễ đều là bậc cao niên, các vị chức sắc hoặc người có uy tín, được bà con trọng vọng trong cộng đồng.
Toàn bộ nghi thức trong phần lễ đều được tiến hành lần lượt dưới sự điều phối chặt chẽ của người thủ xướng. Cùng với đó còn có một đội học trò lễ gồm những người mặc áo, đội mũ và mang hài theo kiểu học sinh tú tài ngày trước. Trong suốt thời gian tiến hành các nghi thức thì đội học trò lễ sẽ phụ trách biểu diễn dâng lễ vật theo tiết tấu của dàn nhạc với điệu bộ vô cùng thuần thục. Ngoài ra, trong lễ Túc yết còn có thêm bốn cô đào cùng hát mừng thần Thành Hoàng bổn cảnh trong lúc dâng rượu.
Nghi thức thay khăn Sắc thần trong lễ hội Kỳ Yên. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
3.2 Phần hội
Bên cạnh phần lễ, điều làm nên nét đặc sắc của lễ hội Kỳ Yên Bến Tre chính là phần hội. Phần hội thường sẽ diễn ra các chương trình múa rồng, múa lân cùng nhiều trò chơi dân gian sôi nổi. Người dân đến với lễ hội Kỳ Yên Bến Tre ngoài việc cầu phước và tài lộc còn cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của ông cha ta thời khai hoang, lập ấp. Đồng thời, trong những ngày này bạn còn có hội chiêm ngưỡng các chương trình văn hóa, nghệ thuật ấn tượng như hát bội, cải lương…
Trong phần hội của lễ Kỳ Yên, hát bội được xem là hoạt động nổi bật nhất, không chỉ mang mục đích giải trí thông thường mà còn mang nội dung riêng biệt nhằm truyền tải đạo lý, quan niệm tốt đẹp. Chính vì vậy, tất cả các vở tuồng thường sẽ có nội dung như trung thắng nịnh, chính thắng tà và khép lại bằng màn tôn vương hoặc tôn soái. Một điểm đặc trưng của các vở hát bội trong lễ Kỳ Yên là ít bi ai, đau thương và kết thúc có hậu. Những vở tuồng thường xuyên được chọn biểu diễn là San Hậu, Tiết Nhơn Quý, Phàn Lê Huê, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Sát Thát, Trần Bình Trọng…
Nghệ thuật biểu diễn hát bội cực kỳ đặc sắc trong phần hội của lễ Kỳ Yên Bến Tre. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
Trên đây cẩm nang du lịch Chiasene.com đã giới thiệu đến bạn lễ hội Kỳ Yên Bến Tre – Một trong những nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng lâu đời gắn liền với đời sống tin thần của người dân xứ dừa. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này thì bạn hãy thử trải nghiệm lễ hội Kỳ Yên để hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi đây nhé.