Menu

Cháo lòng bánh hỏi, sự kết hợp độc lạ giữa đại ngàn

Gia Lai không thiếu những món ăn ngon có hương vị đặc sắc. Một số cái tên có thể kể đến với hương vị thơm ngon đậm chất núi rừng như gà nướng cơm lam Pleiku hay món phở khô Gia Lai. Những món ăn này dù là đặc sản của phố núi nhưng ít nhiều cũng đã xuất hiện trong thực đơn của các địa phương khác. Vậy còn những món ăn là sự kết hợp độc lạ của các loại nguyên liệu thì sao? Hãy để Chiasene.com giới thiệu đến bạn một món ăn đặc biệt có tiếng ở Gia Lai. Đó chính là món Cháo lòng bánh hỏi.

1. Giới thiệu tổng quan về món cháo lòng bánh hỏi?

1.1 Cháo lòng bánh hỏi có nguồn gốc từ đâu?

Cháo lòng và bánh hỏi? Bạn không nghe nhầm đâu. Đây là một đặc sản có sự kết hợp độc lạ của hai món ăn tưởng chừng không liên quan với nhau nhưng lại cho ra hương vị thơm ngon không ngờ tới.

Giống như món bún cua thối, bánh hỏi cháo lòng vốn có xuất xứ từ Bình Định, một vùng đất cũng khá gần Gia Lai. Thế nhưng, người dân ở địa phương này không ăn món này nhiều. Cháo lòng bánh hỏi là một món ăn sáng được bày bán khá nhiều trên đường phố Gia Lai. Vì thế, món ăn này trở thành đặc sản nức tiếng của vùng mà ai cũng phải thử qua.

Cháo lòng bánh hỏi, sự kết hợp độc lạ giữa đại ngàn 2

Bánh hỏi cháo lòng vốn có nguồn gốc từ Bình Định, nhưng người Gia Lai dùng khá nhiều nên món ăn này dần trở thành đặc sản của vùng phố núi

1.2 Những nguyên liệu tạo nên sự thơm ngon của món cháo lòng bánh hỏi

Để làm được món ăn này, đầu bếp phải chuẩn bị công phu ở khâu làm bánh hỏi cũng như nấu cháo lòng. Để có được độ thơm ngon, bánh hỏi được làm từ gạo xay ra, có kết cấu tương tự sợi bún nhưng sẽ mảnh và mềm hơn. Gạo sau khi được vo xong sẽ ngâm qua đêm cho nở mềm rồi mới được đem đi xay cho thật nhuyễn. Gạo sau khi đã được xay thành bột thì được cho vào một cái túi bằng vải sạch, buộc thật kỹ miệng túi rồi cho một viên đá lớn chặn lên trên cho bột gạo được nhanh ráo nước.

Phần bột sau khi ráo nước sẽ được đem đi hấp vừa chín tới, rồi nhồi thật dẻo và chia thành nhiều viên nhỏ để chuẩn bị làm bánh. Người thợ làm bánh hỏi sẽ có những chiếc khuôn ống tròn, bên dưới là mặt đáy được khoan vô số lỗ nhỏ li ti, đủ để sợi bột lọt qua vừa đẹp, không quá dày cũng không quá nát. Bánh hỏi có đẹp mặt hay không phần lớn sẽ phụ thuộc vào sự khéo léo của người tạo khuôn bánh. Lỗ khoan quá nhỏ sẽ làm sợi bột tạo ra mỏng, yếu, dễ bị đứt gãy. Lỗ khoan quá to thì sẽ tạo ra những sợi bún lớn, kết cấu hoàn toàn khác miếng bánh hỏi.

Bột sau khi được ép thành từng sợi chảy xuống sẽ được người thợ làm bánh ngắt ra từng đoạn rồi đem đi hấp cách thủy. Sau khi bánh chín, người thợ sẽ tỉ mẩn vớt ra và cho lên lá chuối. Một miếng bánh hỏi thành công sẽ có kết cấu gồm nhiều sợi bánh đan lại vào nhau, kích cỡ bánh vừa bằng hai ngón tay người lớn.

Để ăn bánh hỏi, người ta phải thoa thêm một ít dầu lên bánh với ít lá hẹ cắt nhỏ, kích thích vị giác người ăn. Người ta thường ăn kèm bánh hỏi với một chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt để dậy nên mùi thơm của gạo và độ dai của miếng bánh.

Thông thường, bánh hỏi thường dùng kèm với thịt heo quay hay chả giò. Nhưng trong món ăn đặc biệt này, bánh hỏi phải được dùng với cháo lòng có đủ tim, gan, cật, và phèo non. Để chuẩn bị món cháo này, bạn cần phải rửa và luộc lòng thật kỹ. Luộc lòng tưởng chừng khá đơn giản nhưng lại rất cầu kỳ, đòi hỏi người luộc phải có kinh nghiệm. Lòng vừa chín tới thì cho ngay vào thau nước đá lạnh. Điều này sẽ làm cho lòng trở nên trứng, giòn và thơm ngon hơn.

Sau khi đã luộc xong lòng, nước luộc sẽ được người nấu sử dụng làm nước dùng để nấu cháo. Bát cháo lòng ăn kèm bánh hỏi phải hơi loãng, trong tô có một ít tiết lợn và thêm chút hành lá, rau mùi cho dậy vị cháo. Sau đó, lòng được thái ra, trải một lớp đầy lên mặt bánh hỏi và dùng kèm với cháo.

Bánh hỏi cháo lòng được chế biến kỳ công qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi người nấu và làm bánh hỏi phải lành nghề và nhiều kinh nghiệm

Xem thêm: Bánh mì Lệ với hương vị dân giã tại Gia Lai

2. Cách thưởng thức trọn vẹn sự đặc biệt của cháo lòng bánh hỏi

Cháo lòng bánh hỏi là món ăn bạn không thể bỏ lỡ khi check-in Gia Lai. Hãy cùng khám phá xem người bản địa nơi đây thưởng thức đặc sản này như thế nào nhé.

Thường khi phục vụ, người bán sẽ mang lên trước cho thực khách một dĩa bánh hỏi được phủ một lớp lòng đầy đặn. Khác với bánh hỏi miền Nam ăn kèm với dầu hành, bánh hỏi ở Gia Lai sẽ được rải một ít hẹ rồi được phục vụ kèm với nước mắm chua ngọt, đậm chất miền Trung.

Bánh hỏi và lòng thường sẽ được phục vụ trước cùng mới một đĩa rau sống và chén nước mắm pha chua ngọt

Sau khi bạn dùng xong bánh hỏi, người bán sẽ mang ra một tô cháo nóng nghi ngút. Phần cháo này như để lấp đầy dạ dày của thực khách sau phần bánh hỏi và lòng non vốn đã khiến họ gần đạt tới cơn no.

Phần cháo thường được mang lên sau, như một món ăn nhẹ nhàng và thanh tao kết thúc cho bữa sáng

Món bánh hỏi cháo lòng thường được dùng vào bữa sáng, khi tiết trời thanh tao, nhẹ nhàng và có hơi se se lạnh. Trong tiết trời giá buốt ấy, được thưởng thức một tô cháo lòng kèm món bánh hỏi thơm ngon là điều không gì có thể sánh bằng.

Có thể nói, cháo lòng bánh hỏi là món ăn không thể bỏ lỡ của những bạn trẻ đam mê du lịch khi ghé thăm Gia Lai. Hy vọng Cẩm nang du lịch Gia Lai đã chia sẻ cho bạn những thông tin đầy đủ về món ăn độc lạ này. Nếu có dịp, bạn hãy một lần về với vùng đất này mà thưởng thức món bánh hỏi cháo lòng trứ danh này, bạn nhé!

Bình Luận