Chùa Cao Dân, di tích gắn liền với phong trào cách mạng tại Cà Mau

1. Giới thiệu đôi nét về chùa Cao Dân

Chùa Cao Dân (hay còn được gọi là chùa Serey Meanchey) tọa lạc tại ấp 7 thuộc địa phận xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1922 ở một nơi khác và cho đến năm 1958 thì mới được di dời đến địa điểm hiện nay. Chùa Cao Dân được biết đến là một trong những ngôi cổ tự của Phật giáo Nam tông Khmer có truyền thống gắn bó lâu đời với cách mạng ở tỉnh Cà Mau, đồng thời cũng là nơi nuôi giấu các cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây chính là cơ sở bí mật của phong trào cách mạng tại địa phương và là biểu tượng sáng ngời cho khối đại đoàn kết dân tộc. Suốt quãng thời gian giành độc lập, nhiều Phật tử và chư tăng của chùa Cao Dân cũng đã từng tham gia kháng chiến, trong đó tiêu biểu là Cố Hòa thượng Hữu Nhem (nguyên trụ trì của chùa).

Không chỉ có vậy, chùa Cao Dân cũng là một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer quanh vùng. Dù trải qua nhiều biến đổi của thời đại, chùa vẫn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống cũng như những ý nghĩa to lớn về tâm linh đối với người Khmer nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Ngày nay, chùa Cao Dân là một trong những địa điểm tham quan tại Cà Mau được đông đảo người dân tìm đến để hành hương, chiêm bái và về nguồn.

Xem thêm: Chùa Bà Thiên Hậu Cà Mau, chốn linh thiêng của cộng đồng người Hoa

Chùa Cao Dân, di tích gắn liền với phong trào cách mạng tại Cà Mau 2

Chùa Cao Dân là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc

2. Hướng dẫn cách di chuyển đến chùa Cao Dân

Chùa Cao Dân nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng chừng 16km về phía Bắc thế nên nếu xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như xe máy, xe ô tô cá nhân hoặc xe khách. Theo kinh nghiệm du lịch của nhiều bạn trẻ thì phượt Cà Mau bằng xe máy sẽ là chuyến đi lý tưởng nhất vì bạn có thể chủ động về mặt thời gian cũng như tự do dừng lại để chiêm ngưỡng, chụp ảnh với những cảnh đẹp dọc đường. Tuy nhiên, với những bạn chưa vững tay lái thì nên chọn xe khách để đảm bảo an toàn và thuận tiện nhất.

Một điểm thú vị là sau khi đã đến trung tâm Thành phố Cà Mau, bạn sẽ tiếp tục di chuyển tới chùa Cao Dân bằng đường thủy chứ không phải đường bộ. Xuất phát ở bến tàu A, bạn đi thuyền xuôi theo dòng kênh Xáng Cà Mau khoảng 3km thì rẽ trái vào Vàm Ô Rô. Khi đến Uỷ ban nhân dân xã Tân Lộc, bạn rẽ phải theo hướng sông Bạch Ngưu và đi thêm tầm 3km nữa là sẽ đến chùa. Trong suốt hành trình di chuyển bằng thuyền đến chùa Cao Dân, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác lênh đênh giữa sông nước cực mới mẻ và độc đáo. Vì lộ trình đường đi đã được người lái thuyền nắm chắc nên bạn có thể thoải mái ngồi thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành và ngắm nhìn cảnh quan tươi đẹp xung quanh.

3. Chùa Cao Dân có gì đặc sắc?

3.1 Cơ sở bí mật của phong trào cách mạng tại Cà Mau

Chùa Cao Dân được xây dựng vào năm 1922 trên mảnh đất có diện tích 4 hecta ở ngã ba rạch Đường Cày. Thời điểm đó, người dân địa phương thường gọi là chùa Châu Trắng (Bạch Ngưu). Qua nhiều đợt bị quân địch đốt phá, năm 1998, Chùa Cao Dân được trùng tu và xây mới. Mặc dù không quá tráng lệ như chùa Monivongsa Bopharam, nơi đây vẫn sở hữu lối kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer. Bên trong Chánh điện có một bàn thờ lớn cùng tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Vị Phật duy nhất trong tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer. Đối diện khu vực Chánh điện là tháp Cố Hòa thượng Hữu Nhem được xây dựng vào năm 2003 với chiều cao 17m và diện tích khoảng 12m2.

Trong suốt thời gian diễn ra hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, Ban Quản trị cùng chư tăng, Phật tử của chùa Cao Dân đều gắn bó mật thiết với Đảng và cách mạng. Chùa Cao Dân chính là một trong những cơ sở cách mạng bí mật của quân dân tỉnh Cà Mau và Cố Hòa thượng Hữu Nhem (nguyên trụ trì chùa) đã viên tịch trong quá trình kháng chiến chống Mỹ. Ông từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu vực Tây Nam Bộ và luôn tích cực vận động những nhà sư, Ban Quản trị các chùa khác cũng như đông đảo đồng bào người Kinh, Hoa, Khmer tại địa phương cùng tham gia kháng chiến cứu nước. Lúc bấy giờ, quân địch đã dội bom liên tục để tàn phá ngôi chùa và rất nhiều Phật tử, chư tăng đã hy sinh anh dũng. Ngày nay, tại khuôn viên của chùa Cao Dân vẫn còn vô số hố bom chưa được san lấp như chứng minh rằng sự tàn phá của quân địch vẫn không thể làm lu mờ tinh thần yêu nước, quật cường của các chư tăng, Phật tử.

Chùa Cao Dân, di tích gắn liền với phong trào cách mạng tại Cà Mau 3

Chùa Cao Dân có kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer

Chùa Cao Dân, di tích gắn liền với phong trào cách mạng tại Cà Mau 4

Mặc dù đã được xây mới nhưng hiện nay, chùa vẫn còn nhiều hố bom chưa được san lấp

3.2 Biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc

Với vai trò chỗ dựa tinh thần của đồng bào Khmer trong vùng, sự đóng góp to lớn của các vị chức sắc tại chùa Cao Dân là một thành tích rất đáng trân trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của khối đại đoàn kết, các chư tăng, Phật tử chùa Cao Dân đã tích cực vận động bà con tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước. Các vị trụ trì, Ban quản trị và Ban hoằng pháp cùng các vị cao niên của chùa vẫn luôn ra sức nhắc nhở, vận động chúng Phật tử cảnh giác trước những âm mưu của lực lượng quân địch đã và đang chống phá phong trào đại đoàn kết toàn dân tộc.

3.3 “Địa chỉ đỏ” trong giáo dục văn hóa và truyền thống cách mạng

Khi đất nước được giải phóng, chùa Cao Dân trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tín ngưỡng tâm linh của người Khmer tại Cà Mau. Không chỉ thế, đây còn là nơi hội họp của những ban ngành ở địa phương và trường học từ các cấp tiểu học cho đến trung học cơ sở. Từ mái trường thân thương này, nhiều cán bộ trí thức hiện đang giữ vai trò quan trọng trong các cấp Đảng bộ, Nhà nước ở Cà Mau đã được học tập và đào tạo.

Cuối năm 1995, chùa Cao Dân đã hiến hơn 200m2 đất để xây dựng trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem tại huyện Thới Bình. Đến nay, trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem đã có rất nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Theo lời thầy hiệu trưởng, mỗi năm nhà trường đào tạo từ 50 – 70 em người Khmer học xong cấp trung học cơ sở và chuyển hồ sơ đến trường Dân tộc Nội trú tỉnh Cà Mau để các em tiếp tục học lên bậc trung học phổ thông. Thành tích nổi bật trong các công tác giảng dạy và phổ cập giáo dục chính là kết quả từ sự phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của tập thể nhà trường cùng sự phối hợp hỗ trợ của các nhà sư, Ban Quản trị, Ban Hoằng pháp chùa Cao Dân.

Chùa Cao Dân, di tích gắn liền với phong trào cách mạng tại Cà Mau 5

Chùa Cao Dân là nơi giáo dục và sinh hoạt văn hóa quan trọng của người Khmer ở Cà Mau. Ảnh: Chốn Thiêng

3.4 Các lễ hội tại chùa Cao Dân

– Tết Chol Chnăm Thmây (lễ năm mới hoặc lễ chịu tuổi): Lễ hội chào mừng năm mới dựa theo lịch cổ truyền của người Khmer. Lễ hội thường kéo dài trong suốt 3 ngày, riêng năm nhuận thì tổ chức 4 ngày.

– Lễ Sene Dolta: Đây là lễ hội truyền thống để cúng ông bà, diễn ra trong 3 ngày từ 29/08 – 01/09 âm lịch hằng năm.

– Lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng hoặc đút cốm dẹp): Để tưởng nhớ công ơn các vị thần có ảnh hưởng tới mùa màng, vào lễ hội này, người dân thường lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp và các loại hoa màu khác để cúng bái.

Chùa Cao Dân, di tích gắn liền với phong trào cách mạng tại Cà Mau 6

Không khí náo nhiệt tại chùa Cao Dân vào dịp lễ hội. Ảnh: Chốn Thiêng

Có thể nói, chùa Cao Dân là một trong những ngôi chùa hiếm hoi vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng vừa là cơ sở bí mật của phong trào cách mạng. Nếu có dịp về với Cà Mau, bạn đừng quên mang theo cẩm nang du lịch và ghé lại chùa Cao Dân để hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi đây nhé.

Bạn có thích bài viết này?

10k Points
Upvote Downvote
Đăng ký
Thông Báo Khi
guest
0 Comments