1. Nơi phân bố của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang
Lô Lô là một trong những dân tộc có lịch sử phát triển lâu đời và có công khai khẩn mảnh đất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Người Lô Lô tại đây được chia làm hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Trong khi Lô Lô Đen tập trung sống ở xã Lũng Cú, còn nhóm đồng bào Lô Lô Hoa thì sống nhiều hơn ở xã Lũng Táo và Sủng Là, thuộc huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Tuy chia làm hai phân nhánh khác nhau nhưng cả người Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa đều giống nhau về tiếng nói, phong tục tập quán, chỉ khác biệt về trang phục.
Trang phục rực rỡ của dân tộc Lô Lô ở Đồng Văn
2. Những đặc điểm của cộng đồng người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang
2.1 Không gian sống của người Lô Lô ở Đồng Văn
Đồng bào tộc người Lô Lô cư trú tập trung thành từng xóm riêng với những ngôi nhà tựa lưng vào vách núi, hướng ra thung lũng hoặc cánh đồng. Người Lô Lô vừa làm nhà trình tường vừa làm nhà sàn tùy vào điều kiện mỗi gia đình. Tường rào sẽ được xếp bằng đá, cao khoảng hơn 1 mét. Làng dân tộc Lô Lô, Sảng Pả A là nơi mà du khách có thể ghé thăm để khám phá cuộc sống của cộng đồng tộc người này.
Nhìn từ bên ngoài, nhà của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang không khác nhiều so với nhà trình tường của các dân tộc khác. Nhưng khi quan sát kĩ về cách thức bố trí, về không gian trong nhà thì sẽ thấy rõ sự khác biệt. Mỗi căn nhà phải có 3 gian, gian ở giữa dành cho việc tiếp khách, gian bên phải là chỗ ở dành cho ông bà, bố mẹ còn gian trái dành cho con trai, con gái và dâu rể. Trên gác thì sẽ để lương thực và ngô, sắn.
Những ngôi nhà vách đất của người dân tộc Lô Lô – đặc trưng của các dân tộc tại Hà Giang
Phần gian giữa trong ngôi nhà của người Lô Lô là phần có diện tích rộng nhất, đồng thời là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, đối diện với cửa chính. Trên bàn thờ sẽ đặt những hình nhân khắc từ gỗ hoặc mo tre, tượng trưng cho các thế hệ ông bà tổ tiên. Đặc biệt, người Lô Lô còn có tập tục thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi gia đình đều coi Bác là ông cụ tổ của gia đình, không có Người sẽ không có cuộc sống hiện tại nên họ luôn dành cho Bác tất cả sự tôn kính và trân trọng.
Người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang có sự cố kết cộng đồng chặt chẽ
2.2 Nếp sống và văn hóa cộng đồng của người Lô Lô
Người Lô Lô từ muôn đời nay đã luôn sống hòa đồng và đoàn kết với các dân tộc anh em khác như người Pà Thẻn ở Hà Giang, người Pu Péo, người Mông… Tuy vậy nhưng họ vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nam thanh nữ tú được tự do tìm hiểu để chọn bạn đời và đi đến hôn nhân. Để hỏi cưới vợ, nhà trai phải nhờ bốn người làm mối, gồm hai đôi nam nữ. Theo quan niệm từ xa xưa nếu người làm mối là hai cặp vợ chồng thì cuộc sống sau này của cặp vợ chồng mới cưới sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
Những hình ảnh người Lô Lô cũng nhau vùi đùa ca hát trong những dịp lễ tết
2.3 Phong tục cưới hỏi và ma chay của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang
Người Lô Lô luôn tin tưởng rằng vạn vật khi được sinh ra đều có linh hồn. Vì thế mọi thứ đều sẽ chở che cho con người, và từ đó họ cũng giành sự trân trọng cho vạn vật, núi rừng, muôn thú. Lễ cưới của tộc người này được diễn ra trong không khí trang trọng, nhà trai sẽ cần chuẩn bị đồ lễ gồm 1 con bò, 3 con lợn to, 5 con gà trống thiến, 1 túi gạo, 1 chai rượu… để mang đến nhà gái làm lễ cúng thông báo với tổ tiên. Ngay trước cửa nhà gái chuẩn bị sẵn rượu ngô được rót thành từng bát to mời nhà trai. Sau đó 2 bên sẽ cùng nhau hát đối, rồi tiến hành lễ rước dâu.
Nhà trai và nhà gái cùng nhau ca hát, nhảy múa
Còn tục lệ ma chay của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang thì quan niệm rằng người đã khuất sẽ bắt đầu một hành trình và cuộc sống mới ở thế giới khác. Vì thế trong đám tang của người Lô Lô sẽ có các nghi thức độc đáo như: hóa trang, nhảy múa, nhào lộn…để thể hiện lòng đạo hiếu, đưa tiễn người quá cố về sum họp với tiên tổ. Sau đó các gia đình sẽ luôn ghi nhớ tới người thân đã khuất vào những ngày rằm các tháng 3, 4, 7, 9, 12 để thực hiện lễ cúng cơm.
Tiệc cưới của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang với những món ăn đặc trưng của dân tộc này
3. Trang phục truyền thống của người Lô Lô ở Đồng Văn
Hình tam giác luôn được người Lô Lô coi là biểu tượng của vương quốc tổ tiên cổ xưa. Vì thế trên trang phục của họ sẽ luôn được trang trí những loại họa tiết hình tam giác này. Riêng đối với người Lô Lô ở Lũng Cú (Đồng Văn) họ còn sử dụng các loại hoa văn biểu trưng cho thiên nhiên, cho đất, nước, cho quê hương để làm đa dạng và phong phú thêm bộ trang phục của mình. Ngoài ra các hình cây ngô, hoa tam giác mạch hay những loại vật nuôi cũng thường xuyên xuất hiện, tạo nên sự giản dị và đời thường.
Những cô gái Lô Lô trong trang phục truyền thống của dân tộc
Ngoài hoa văn, trên trang phục của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang còn được tạo hình những chiếc khuy độc đáo. Những chiếc khuy này được may thành một hàng dọc trên mũ, ở tay áo và trên cả thân áo của người phụ nữ. Đây là chi tiết thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng dân tộc này.
Phần mũ được trang trí những chiếc khuy thành từng hàng rất nổi bật
Bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô Chải dựa theo hoa văn, màu sắc trang trí trên tay áo được phân ra làm 2 loại. Với các cô gái tự tay làm trang phục thì chỉ được trang trí 3 lớp hoa văn trên tay áo. Nếu là áo cô dâu được nhà chồng tặng thì trên tay áo trang trí 4 lần các dải hoa văn. Hoa văn được ước lượng thành thước đo phẩm hạnh thể hiện sự tài giỏi, khéo léo, chu toàn của những người phụ nữ bên nhà chồng hay là của những người làm ra nó.
Những em bé Lô Lô có trang phục đơn giản hơn
Ngoài là một biểu tượng thể hiện tinh hoa văn hóa của dân tộc Lô Lô thì trang phục của người phụ nữ Lô Lô còn gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc lứa đôi, về những ước nguyện sinh con đẻ cái đầy đàn. Điều này thể hiện qua các đường nét trên tay áo của người phụ nữ, những họa tiết độc đáo ám chỉ việc sinh sôi nảy nở và hạnh phúc gia đình.
Hiện nay trang phục truyền thống của người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang đã có nhiều nét đổi mới và cách tân nhưng vẫn hướng đến những giá trị dân tộc bền lâu
Người Lô Lô cũng luôn hướng đến quan điểm rằng “Mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc văn hóa không thể phai mờ”. Vì thế các thế hệ tộc người này đều nỗ lực truyền thụ lại những phong tục, tập quán cho con cháu để gìn giữ và phát triển. Những cô bé từ khi lên 5, lên 7 đã được mẹ chỉ dạy cho cách máy vá, thêu thùa. Thậm chí họ cũng tự may đồ cưới cho bản thân, và một bộ váy đẹp với những chi tiết cầu kỳ có thể mất đến 3 4 năm mới hoàn thành.
Mỗi bộ trang phục thể hiện tinh thần, sự khéo léo và khát vọng của người Lô Lô
Trang phục chính là một phần phản ánh đời sống, sự gắn kết cộng đồng và tín ngưỡng của người Lô Lô. Trước những sự biến đổi của thời đại, khi cuộc sống ngày càng có nhiều sự hội nhập, giao lưu văn hóa, khi du lịch và kinh tế ở Hà Giang đang có những bước chuyển mình ấn tượng thì dân tộc Lô Lô vẫn đang gìn giữ nét đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống của riêng họ.
Xem thêm: Tìm hiểu về người Phù Lá ở Hoàng Su Phì – Hà Giang
Hi vọng với những thông tin về người Lô Lô ở Đồng Văn – Hà Giang bạn sẽ có thêm một gợi ý để khám phá văn hóa đa dạng tại mảnh đất miền núi Đông Bắc này. Chiasene.com chúc bạn có một chuyến đi với thật nhiều niềm vui nhé.