Menu

Đặc sắc Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ Cà Mau

1. Tổng quan về Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ

Không chỉ được biết đến bởi nhiều địa điểm tâm linh đặc sắc như Chùa Monivongsa Bopharam, Chùa Phật Tổ… Cà Mau còn nổi tiếng với cánh Rừng tràm U Minh Hạ rộng lớn. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây là môi trường sống của vô số loài động thực vật quý hiếm.

Điều kiện tự nhiên lý tưởng tại đây đã góp phần hình thành và phát triển làng Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ. Đây là nghề truyền thống được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác cực kì phổ biến tại địa bàn 2 huyện là U Minh và Trần Văn Thời. Theo các bậc cao niên, nghề gác kèo có từ rất sớm, gần như là vào giai đoạn cuối thế kỷ thứ XIX khi con người lần đầu tiên đặt chân tới đất Mũi khai hoang mở cõi.

Vào ngày 20/12/2019, nhằm ghi nhận công việc đặc trưng đòi hỏi sự sáng tạo của cư dân vùng đất U Minh Hạ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây được xem là động lực rất lớn để những người thợ gắn bó với nghề có điều kiện phát triển kinh tế cũng như góp phần bảo vệ cánh rừng tràm nguyên sinh ngày một tốt hơn.

Xem thêm: Nghề muối Tân Thuận mang tinh hoa biển khơi đến với đời sống thường nhật

Đặc sắc Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ Cà Mau 2

Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ vào ngày 20/12/2019 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

2. Hướng dẫn cách di chuyển đến làng nghề gác kèo ong

Muốn khám phá Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ, trước hết tín đồ xê dịch phải dừng chân tại Thành phố Cà Mau bằng đa dạng các loại hình phương tiện đường dài trước. Tiếp đó bạn mới có thể bắt bus, thuê xe máy hoặc đón các Hãng taxi Cà Mau uy tín di chuyển tới cánh rừng tràm U Minh. Nhìn chung, từ trung tâm thành phố đến đây mất chừng 44km, tương đương khoảng 1 giờ đồng hồ đi đường.

Dành cho bạn đi phượt tới Rừng U Minh Hạ, sau đây là cung đường di chuyển rất được hội xê dịch ưa chuộng:

Khởi hành từ đường Hải Thượng Lãn Ông, mọi người lái xe về hướng Ngô Quyền đoạn qua Võ Văn Kiệt đến địa phận xã Khánh An. Sau khi dừng chân nơi đây, bạn chỉ cần chạy dọc theo bờ kênh rừng là sẽ tới được điểm du lịch khám phá của mình. Làng Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ sẽ nằm ở phía tay phải cách trại cây giống Khánh An tầm 19km.

Bạn có thể thuê xe máy đi phượt đến khu vực rừng hoặc Vườn Quốc gia U Minh Hạ để khám phá nghề gác kèo truyền thống

3. Khám phá nghề gác kèo ong truyền thống tại rừng U Minh

3.1 Thời điểm lý tưởng trong năm để gác kèo ong

Vào tháng 11, 12 hàng năm, khi hoa tràm tại khu vực rừng và Vườn quốc gia U Minh Hạ đua nhau nở rộ, người thợ gác kèo lại chuẩn bị sẵn sàng đón đàn ong bay về đây chọn những nhánh cây nằm xiên để đóng tổ. Hiểu được tập tính và quy luật của loài ong đó là chỉ xây tổ trên thân cây nghiêng như kèo nhà, cư dân sinh sống xung quanh cánh rừng đã nghiên cứu và nghĩ ra cách làm nhà cho ong nhằm thu được mật ngọt của chúng. Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ cũng từ đó mà ra đời, trở thành công việc được lưu truyền qua bao thế hệ đòi hỏi người thợ phải yêu rừng và có kinh nghiệm, tri thức nhất định.

Tuy nói những tháng cuối năm là thời điểm vàng để gác kèo ong nhưng từ giữa tháng 5 đến tháng 8, đội thợ đã có thể bắt đầu công việc của mình. Nghề gác kèo truyền thống này là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình, do đó việc thực hiện luôn được tính toán rất cẩn thận. Mật khi thu hoạch bởi vì có sự khác nhau về mặt hương vị dựa trên thời gian gác kèo nên sẽ sở hữu các mức giá riêng. Nhìn chung, mật mùa khô (thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) có phần chất lượng hơn so với loại thu được ở mùa nước (từ tháng 5 tới tháng 11).

Thời điểm vàng để gác kèo ong rơi vào những tháng cuối năm và kéo dài tới giữa tháng 5 năm sau

3.2 Công việc chính của Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ

Nghề truyền thống này bao gồm 3 giai đoạn chính là chuẩn bị, gác kèo và thu hoạch (hay còn gọi là “ăn ong”). Đầu tiên, nhóm thợ sẽ chuẩn bị bộ kèo với 3 nguyên liệu là thân cây, trụ đỡ và nạng. Bộ kèo thông thường được làm từ cây tràm có đường kính từ 10 đến 15cm, thân suông và đã lột sạch vỏ, để khô ráo. Trước khi mang vào rừng U Minh Hạ, người gác kèo sẽ thoa lên đây một lớp sáp mỏng để mời gọi ong trinh sát.

Ở bước tiếp theo, đội thợ sẽ chọn những nơi có cây tràm thấp, bông kéo đủ dài để ong lấy mật. Sau đó, họ xác định hướng gió và ánh sáng rọi vào tổ đồng thời tạo khoảng trống cho ong bay lên, đáp xuống một cách dễ dàng. Một chiếc kèo chuẩn chỉnh bên cạnh sở hữu vị trí sao cho ánh mặt trời rọi vào 2 bên, nghĩa là buổi nào cũng có tia sáng còn cần phải có hình dáng giống với mái nhà. Thời gian gác kèo lý tưởng nhất trong ngày là từ lúc bình minh tới 9 giờ sáng bởi vì khi này người thợ có thể xác định đúng hướng mặt trời mọc.

Xong xuôi công đoạn gác kèo, nhóm thợ phải xóa hết dấu vết để ong tới làm tổ (hay gọi là “ốp”). Người gác kèo dày dặn kinh nghiệm thông thường sẽ đoán được khi nào chúng đến ốp cũng như thời gian chuẩn xác để quay lại ăn ong. Bình quân khoảng thời gian loài này làm tổ thường rơi vào khoảng 20 ngày tới 1 tháng, tuy nhiên cũng có trường hợp buổi sáng vừa gác thì chiều ong đã kéo đến ốp. Để kiểm tra khi nào thu hoạch mật, đội thợ sẽ kiểm tra những chiếc tổ một lượt sau 20 ngày chờ đợi. Tổ ong bít kín không có lỗ hở nào là dấu hiệu cho thấy người dân đã có thể lấy mật. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra nếu thấy chiếc kèo nào không có ong thì thợ gác kèo cũng sẽ điều chỉnh lại trảng, ánh sáng, hướng gió… sao cho hợp lý.

Tổ ong bít kín không có lỗ hở nào là dấu hiệu cho thấy nhóm thợ gác kèo đã có thể thu hoạch mật sau hơn 20 ngày chờ đợi

3.3 Thành quả công việc gác kèo ong

Sở dĩ gọi quá trình thu hoạch là “ăn ong” bởi vì khi lấy mật, người thợ gác kèo thường thưởng thức trước một phần để thẩm định chất lượng. Đây đồng thời cũng là món quà mà họ tự thưởng cho công sức mình bỏ ra. Một kèo ong nếu khai thác đúng cách sẽ lấy mật được 3, 4 lần. Mỗi tổ trung bình cho khoảng 3 đến 5 lít mật, có cái còn thu hoạch tới 10 lít. Giải thích lý do mật ong mùa khô thường nhiều và chất lượng hơn mùa mưa là vì vào thời điểm nước lên, ong tập trung sinh con nên ít làm mật. Lượng nước có trong mật ong lúc này cũng nhiều hơn bình thường.

Mật ong rừng U Minh là món ngon đặc sản xứ Mũi nổi tiếng gần xa bởi hương vị và chất lượng không nơi nào sánh bằng. Vào cuối năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận sản phẩm mật ong này là nhãn hiệu tập thể độc quyền. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mật khai thác từ rừng tràm không chỉ đảm bảo tự nhiên, chất lượng mà còn có nhiều dược tính phục vụ tốt cho nhu cầu bồi bổ sức khỏe. Thành quả đến từ Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ còn có thể sử dụng để làm đèn cầy hay phần tàng ong thì chế biến thành các món ăn như tàng ong non chấm mật, gỏi ong non… đặc biệt thơm ngon, hấp dẫn.

Mật ong rừng U Minh là một trong những món ngon đặc sản đất Mũi sở hữu chất lượng cùng hương vị trên cả tuyệt vời

Vậy là Chiasene.com vừa giới thiệu đến bạn Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ. Có dịp du lịch Cà Mau, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tự mình khám phá và trải nghiệm công việc đặc trưng đầy tính sáng tạo này nhé. Thêm ngay bài viết vào Cẩm nang du lịch cá nhân để có tham khảo ngay khi cần thôi.

Bình Luận