Đắm mình trong Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột

1. Về loài hoa Pơ Lang son sắt, thủy chung

1.1 Truyền thuyết về Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột

Theo những câu chuyện dân gian truyền miệng về Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột, trước đây ở vùng đại ngàn này, có một đôi trai tài gái sắc yêu thương nhau tha thiết. Thế nhưng đến ngày trọng đại, khi chàng trai mang lễ vật để cầu hôn cô gái thì bất ngờ mưa lớn kéo về, nước lũ ầm ầm cuốn trôi đi tất cả lễ vật khiến tình yêu của đôi trẻ bị lỡ dở.

Đắm mình trong Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột 2

Hoa Pơ Lang gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa về tình yêu thủy chung nhưng bất hạnh

Vì quá uất ức trước sự trớ trêu của duyên phận, hai người đã cùng dựng cây nêu khổng lồ giúp chàng trai lên trời tìm Yàng (tức Thượng Đế theo quan niệm của người Kinh) để hỏi rõ nguyên cớ. Trước khi đi chàng trai đã buộc một dải lụa đỏ vào tay của cô gái như một lời thề nguyện nhất định sẽ trở về để ở bên cô. Thế nhưng khi gặp được Yàng, chàng trai đã bị giữ lại làm một vị thần ở tiên giới do sự tài năng và đức độ vốn có của mình. Kể từ đó, chàng trai đã không được quay trở về trần gian để gặp lại người con gái mà mình yêu thương nữa.

Còn ở dưới hạ giới, cô gái ngày qua ngày vẫn nhớ thương và ngóng trông hình bóng của chàng trai trở về. Thế nhưng mỗi ngày trôi qua vẫn bặt vô âm tín, cô gái lại càng thêm đau khổ và tuyệt vọng. Thế rồi cô tìm đến cây nêu năm xưa, quyết tâm lên trời tìm gặp người yêu. Thế nhưng vì cây nêu cao quá, đường lên trời khó khăn muôn trùng, cô gái sức lực có hạn nên chẳng thể nào chịu được đến cuối cùng. Cô kiệt sức rồi gục ngã ở giữa đường, hóa thân thành loài cây cổ thụ, dải lụa đỏ năm xưa hóa thành những bông hoa đỏ thắm giữa trời.

Đắm mình trong Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột 3

Tình yêu lứa đôi hóa thân thành loài hoa rực rỡ và xinh đẹp

Câu chuyện này được lưu truyền từ đời này sang đời khác, khiến cho huyền thoại về Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột ra đời. Loài hoa này cũng gắn liền với các lễ hội và cuộc sống của người Tây Nguyên.

Xem thêm: Mùa rừng cao su thay lá ở Buôn Ma Thuột đẹp như trời Âu.

1.2 Đặc điểm loài hoa Pơ Lang

Hoa Pơ Lang còn được biết đến với những tên gọi khác như hoa gạo, hoa mộc miên. Đây là loài hoa rất gần gũi, quen thuộc với những làng quê Việt Nam. Đặc biệt, hoa Pơ Lang thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Tây Nguyên nên đâu đâu bạn cũng sẽ bắt gặp những bông hoa nở rộ khoe sắc mỗi khi tới tháng 3.

Đắm mình trong Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột 4

Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột nhuộm lên thành phố này một màu đỏ rực rỡ nhưng mộc mạc và giản dị

Cây Pơ Lang là loài cây phù hợp mọc ở vùng nhiệt đới, phần thân cây cao và thẳng, lá thường rụng vào mùa đông. Bông hoa Pơ Lang màu đỏ và có 5 cánh, hoa sẽ nở vào mùa xuân (tháng 3 hoặc tháng 4). Quả của loại cây này có những sợi tương tự như sợi bông, khi nở sẽ bung ra và được gió thổi đi xa. Theo kinh nghiệm du lịch Buôn Ma Thuột, vì thổ nhưỡng tại đây rất trù phú nên quả gạo rơi xuống dễ dàng mọc lên cây mới, khiến thành phố đâu đâu cũng thấy hoa Pơ Lang.

2. Vẻ đẹp của Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột

Khi mùa xuân về, khắp núi rừng Tây Nguyên là vẻ đẹp căng tràn sức sống. Những cơn gió mùa khô đã bắt đầu nổi lên, thổi khắp núi rừng thì cũng là lúc những gốc Pơ Lang cùng nhau dệt nên một tấm áo hoa đỏ rực giữa trời. Nếu Mùa hoa dã quỳ Buôn Ma Thuột làm say lòng người thì mùa hoa Pơ Lang lại mang vẻ đẹp rất bình dị và gần gũi.

Vẻ đẹp của Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột thậm chí đã đi vào thơ ca nhạc họa, nổi tiếng nhất với bài hát Em Là Hoa Pơ Lang của nhạc sĩ Đức Minh với những ca từ thật dịu dàng, thật thiết tha: “Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa Pơ Lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”.

Đắm mình trong Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột 5

Hoa Pơ Lang như những cô gái tuổi đôi mươi khoe sắc giữa đất trời hùng vĩ

3. Ý nghĩa của loài hoa Pơ Lang trong đời sống tinh thần người Tây Nguyên

Hàng năm, khi đến Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột, mỗi gia đình sẽ dựng cây nêu lên giữa sân nhà rông rồi trồng ở bên cạnh một cây Pơ Lang non. Sau khi lễ hội kết thúc, cây Pơ Lang non này được di dời sang trồng ở một vị trí khác. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc tại đây, cây Pơ Lang non càng phát triển tươi tốt thì càng chắc chắn năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của dân làng được ấm no, hạnh phúc.

Hoa Pơ Lang đối với người đồng bào Tây Nguyên là đại diện của tình yêu với đất mẹ, với cội nguồn. Mùa hoa Pơ Lang tuy không đài các, kiêu sa như Mùa hoa cà phê Buôn Ma Thuột nở rộ trắng đồi, nhưng lại mang trên mình vẻ đẹp chân chất, mộc mạc như chính tâm hồn của con người nơi đây. Người dân Tây Nguyên với bản tính hiền lành, khiêm tốn nhưng cũng phóng khoáng, dung dị giống như những bông hoa này.

Đắm mình trong Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột 6

Hoa Pơ Lang là một phần cuộc sống và văn hóa của các tộc người sinh sống tại Đắk Lắk

Ngoài ra, loài hoa này còn mang theo mong ước ấm no, đủ đầy, bình yên và hạnh phúc mà mỗi người dân Tây Nguyên đều nguyện cầu với tất cả sự chân thành. Với người dân địa phương, khi vào Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột, những bông hoa nở đỏ rực cũng là tín hiệu mùa lễ hội đã đến, đồng thời cũng là thời điểm một vụ mùa mới lại chuẩn bị bắt đầu.

Vì thế nếu bạn có cơ hội đến Đắk Lắk dịp tết đến xuân về thì đừng bỏ lỡ cơ hội tận hưởng vẻ đẹp của Mùa hoa Pơ Lang Buôn Ma Thuột nhé. Cẩm nang du lịch Chiasene.com chúc bạn có một hành trình với thật nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Bạn có thích bài viết này?

10k Points
Upvote Downvote
Đăng ký
Thông Báo Khi
guest
0 Comments