1. Đôi nét về làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời
1.1 Những làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời ở đâu?
Vị trí: Xã Trần Hợi và Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
Nhắc đến làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời thì người dân Cà Mau sẽ nghĩ ngay tới các xóm Cơi Ba, So Le, Kiểu Mẫu, thuộc địa bàn hai xã Trần Hợi và Khánh Hưng. Khu vực này là một trong những nơi trồng chuối nhiều nhất của Cà Mau và dần dần phát triển nghề ép chuối khô như một công việc thời vụ. Làng nghề cách khu vực trung tâm thành phố khoảng hơn 30km, trên tuyến đường đến khu di tích lịch sử cấp quốc gia Hòn Đá Bạc nên bạn có thể kết hợp hai địa điểm này để tham quan trong một hành trình.
Hành trình khám phá làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời sẽ đưa bạn đến với rất nhiều trải nghiệm thú vị
1.2 Lịch sử nghề ép chuối khô
Không ai biết chính xác thời điểm nghề ép chuối khô xuất hiện ở Cà Mau. Theo thông tin từ những người lớn tuổi ở làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời thì đâu đó khoảng những năm đầu thế kỷ 20, người dân nơi đây đã làm nghề này để kiếm thêm thu nhập. Sau đó, nghề truyền qua hai ba thế hệ, từ một vào hộ làm rồi thành cả làng cùng làm nên đến ngày nay mới có quy mô lớn như vậy.
Vùng đất Cà Mau có địa hình, đất đai phù hợp để cây chuối sinh trưởng và phát triển. Đến mùa chuối chín rộ, người dân ăn không hết, mang bán cũng không có ai mua nên mới nghĩ ra cách ép khô để bảo quản được lâu, ăn dần chứ không bỏ uổng phí. Sau này, khi kinh tế nước ta phát triển hơn, giao thương giữa các địa phương thông thoáng, thuận lợi hơn thì nhiều người ở nơi khác tới Cà Mau buôn bán, làm ăn đều khen chuối ép ngon và mua về làm quà. Thế nên làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời mới hình thành, phát triển như một nghề truyền thống và được nhiều người biết đến.
Khu vực này có sản lượng chuối lớn nhất Cà Mau nên tạo điều kiện cho nghề ép chuối khô phát triển
Xem thêm: Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc
1.3 Thời điểm lý tưởng đến làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời
Tại làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời, không phải gia đình nào cũng mưu sinh bằng công việc này. Có một số hộ coi đây là công việc chính thì sẽ trồng chuối luân canh để thu hoạch cả năm, mua thêm từ các địa phương khác về chế biến. Một số hộ khác thì vẫn chọn việc đồng áng, đánh bắt, nuôi trồng hải sản làm nghề chính, đến những tháng cuối năm mới bắt tay vào công việc ép chuối khô phục vụ mùa Tết. Vì thế, nếu muốn đến tìm hiểu về món đặc sản này, trải nghiệm không khí làm việc hăng say của người dân nơi đây thì bạn nên ghé đến vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch.
Khoảng đầu tháng 9 là lúc người dân bắt tay vào chuẩn bị khuôn, vỉ để phục vụ việc phơi chuối. Tháng 10 là thời điểm thu hoạch chuối tươi. Sau đó sẽ đến thời gian phơi chuối và đóng gói, bán cho thương lái để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống dịp Tết. Đây cũng là thời điểm mùa khô tại Cà Mau, nắng nhiều và liên tục nên rất thuận lợi để bà con phơi phóng, cho ra những mẻ chuối chất lượng.
Người dân phơi chuối dưới ánh nắng tự nhiên để cho ra sản phẩm chất lượng
2. Hướng dẫn di chuyển đến làng nghề ép chuối khô
Muốn đến được Cà Mau thì tùy thuộc vào địa điểm bạn xuất phát để chọn phương tiện cho phù hợp. Từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, bạn nên đi máy bay để tiết kiệm thời gian. Còn với những bạn ở miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ nên chọn xe khách hay phượt Cà Mau bằng xe máy cũng đều khá hợp lý.
Sau khi đến được trung tâm thành phố thì bạn đi từ cầu Cà Mau, theo đường Ngô Quyền để ra được Cầu Bạch Ngư. Sau đó, tại vòng xoay Khánh An, bạn đi thẳng vào Lý Thường Kiệt rồi rẽ phải để vào đường 986A. Bạn cứ đi thẳng đường này khoảng 15km là sẽ đến gần địa phận xã Trần Hợi. Ở đây, bạn dừng lại hỏi người dân địa phương đến làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời. Vì làng nghề chưa có trên Google Maps nên bạn có thể tra cứu vị trí đến Nhà thờ Giáo xứ U Minh. Đường đi khá xa nên bạn hãy chú ý an toàn, chạy đúng tốc độ cho phép và mang đầy đủ giấy tờ, bằng lái nhé.
3. Tham quan gì khi đến làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời?
3.1 Không khi làm việc hăng say những ngày cận Tết
Vào những ngày tháng 10, khi đến tham quan làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời, bạn sẽ bắt gặp từng đoàn ghe thuyền nối đuôi nhau trên sông chở chuối tươi đến cung cấp nguyên liệu cho cho nơi đây. Còn từ tháng 11 dương lịch lại là ghe của thương lái thu mua chuối khô thành phẩm, tấp nập đổ đi khắp mọi hướng để mang sản phẩm phân phối đến nhiều địa phương.
Bước vào mùa sản xuất chuối ép, ở khắp mọi nơi trong làng đều trải đầy những vỉ chuối phơi dưới nắng vàng. Mùi thơm ngọt dịu và dễ chịu của chuối tươi bao phủ bầu không khí, níu lấy bước chân của chúng ta. Gia đình nào cũng chạy đua cùng thời gian để hoàn thành từng mẻ chuối nhanh nhất, kiếm thêm chút thu nhập và đón một cái Tết đủ đầy.
Những phần chuối ép khô đóng gói hút chân không rất sạch sẽ và đẹp mắt
3.2 Khám phá quy trình sản xuất chuối ép độc đáo
Đến với làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời, bạn sẽ được khám phá và tìm hiểu quy trình sản xuất chuối xiêm trở thành loại đặc sản thơm ngon. Người dân ở đây chia sẻ để ra được những miếng Chuối khô Cà Mau dai ngon vừa ăn thì họ phải chọn chuối xiêm thật già, chín đều. Chuối sẽ được mang ủ chín kỹ, độ ngọt đạt chuẩn. Lúc này vỏ chuối đã rất mỏng, đụng nhẹ là cuống chuối sẽ rời ra. Việc tiếp theo là bóc hết vỏ, đem đi phơi nắng cho chuối khô lại từ từ và vẫn đảm bảo độ dai.
Đến khi chuối vừa đủ héo sẽ được cho vào khuôn ép mỏng rồi mang xếp lên vỉ để tiếp tục phơi nắng. Khuôn phải được làm từ tre nứa, đan kẽ thưa để thoáng khí giúp chuối nhanh khô. Trước đây, việc phơi chuối hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên khá vất vả. Gặp thời tiết thuận lợi thì chỉ 2 ngày là xong một mẻ chuối. Nhưng nếu trời mưa gió kéo dài, chuối có thể bị hư và phải bỏ đi hết. Còn ngày nay, hầu hết các hộ dân tại làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời đều đầu tư máy sấy để mang lại hiệu quả tốt hơn, cho ra năng suất ổn định, hạn chế chuối bị mốc, hư hỏng.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người sành ăn thì chuối phơi nắng tự nhiên luôn luôn ngon và giòn hơn chuối sấy. Vì thế, hầu hết máy móc chỉ được sử dụng vào ngày mưa hoặc mùa cao điểm, khi mà việc phơi thủ công không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhờ nghề ép chuối khô, nhiều hộ gia đình tại huyện Trần Văn Thời đã có thêm một khoản thu nhập ổn định, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chuối khi chín sẽ được bóc vỏ, mang đi phơi cho héo lại và đảm bảo độ dai
Sau đó, chuối sẽ được ép mỏng, tiếp tục phơi cho đến khi khô lại
Những chiếc bánh thành phẩm có màu sắc đẹp mắt và hương vị thơm ngon
Cẩm nang du lịch Chiasene.com hi vọng trong hành trình khám phá Cà Mau, bạn sẽ có dịp ghé thăm làng nghề ép chuối khô Trần Văn Thời. Khi ra về bạn đừng quên mua những gói chuối ép thơm ngon làm món quà thơm thảo dành cho người thân, bạn bè sau chuyến vi vu nơi cực Nam Tổ quốc nhé.