Theo thống kê, Cần Thơ là nơi có số lượng người đồng bào Khmer sinh sống lớn nhất nhì cả nước. Chính vì vậy, thành phố này có rất nhiều ngôi chùa Khmer theo lối Phật giáo Nam tông nổi tiếng, một trong số đó có Chùa Munir Ansay trứ danh xứ Tây Đô.
1. Xác định tọa độ Chùa Munir Ansay
Địa chỉ: 36 Đại lộ Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ
Giờ mở cửa: 8h – 18h00 hàng ngày
Chùa Munir Ansay tọa lạc tại cung đường trung tâm thành phố, đối diện với Chùa Phật Học , gần công viên Lưu Hữu Phước và Trung tâm thương mại Sense City. Tuy nằm trong khu phố nhộn nhịp và tấp nập bậc nhất Cần Thơ, song Chùa Munir Ansay vẫn giữ cho mình sự uy nghiêm, linh thiêng của một ngôi chùa lâu đời.
Xem thêm: Khám phá Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy lớn nhất trong năm tại Cần Thơ
Chùa Munir Ansay nằm yên lặng giữa một góc phố nhộn nhịp tại Cần Thơ
2. Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Munir Ansay
Chùa Munir Ansay ở ngay vị trí trung tâm, do đó việc di chuyển đến đây vô cùng thuận lợi và dễ dàng. Bạn có thể sử dụng hình thức Taxi ở Cần Thơ hoặc thuê xe máy, xe ôm với giá cả vô cùng phải chăng. Nếu bạn đang lưu trú tại các địa chỉ gần đó, có thể đi bộ để thuận tiện tham quan nhiều địa điểm.
Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Munir Ansay tại Thành phố Cần Thơ
3. Khám phá Chùa Munir Ansay từ A – Z
3.1 Lịch sử hình thành ngôi chùa
Chùa Munir Ansay được khởi công xây từ năm 1948, tuy nhiên lúc này vật liệu xây dựng chỉ là tre, lá đơn sơ. Sáu năm sau, đến năm 1954, phần cổng chùa mô phỏng theo kiến trúc Angkor Wat mới được hình thành. Năm 1964, khu vực Chánh điện bắt đầu được xây dựng. Mãi đến năm 1988, Chùa Munir Ansay mới được hoàn thiện và khánh thành qua hơn 40 năm trùng tu và xây dựng.
Chùa Munir Ansay còn có tên gọi khác là Chùa Munisenray theo tiếng Khmer có nghĩa là viên ngọc sáng, ý chỉ ngôi chùa đẹp và linh thiêng.
Chùa Munir Ansay là viên ngọc sáng bừng giữa vùng đất Tây Đô
3.2 Kiến trúc độc đáo của Chùa Munir Ansay
Nhìn chung, có thể thấy Chùa Munir Ansay được xây dựng dựa trên kiến trúc nổi tiếng Angkor Wat của đất nước Campuchia.
3.2.1 Khu vực khuôn viên
Chùa Munir Ansay được trang trí bằng một màu vàng rực rỡ, đẹp mắt, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Đây cũng là màu sắc thường thấy trong kiến trúc của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phần cổng Chùa Munir Ansay xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người Khmer, hai cột được sơn màu xanh lam nổi bật tương phản với sắc vàng. Phần cổng này cũng được trang trí bằng những họa tiết sắc sảo, uốn lượn nhưng không kém phần trang nghiêm. Điểm đặc biệt trong thiết kế của cổng Chùa Munir Ansay là phía trên đỉnh được xây theo kiến trúc tháp tam bảo, ba ngọn tháp lộng lẫy với tháp giữa cao nhất, hai tháp còn lại thấp hơn ở hai bên. Từ xa nhìn lại, kiến trúc cổng Chùa Munir Ansay có phần giống với quần thể công trình 3 ngôi đền Angkor Wat huyền thoại. Phía tường ngoài của chùa cũng được điêu khắc hết sức tỉ mỉ, đây cũng là điểm check in độc đáo của người đi đường và khách tham quan.
Tiến vào chùa, bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng khi mặc dù nằm ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nhưng không vì vậy mà khuôn viên Chùa Munir Ansay không thoáng đãng và mát mẻ.
Chính giữa chùa là tòa bảo tháp với trang trí tinh tế, phía dưới là tượng thần hủy diệt và sáng tạo Shiva – một trong ba vị thần lớn của Hindu giáo. Sau lưng tháp là chánh điện Chùa Munir Ansay được xây về hướng Đông – hướng của các vị thần trong quan niệm của người Khmer, bên trái là dãy nhà tăng, bên phải là hội trường dành cho việc tiếp đãi khách hành hương và dùng cơm.
Cổng chùa được mô phỏng dựa trên kiến trúc cửa quần thể công trình Angkor Wat của Campuchia
Khuôn viên Chùa Munir Ansay từ ngoài nhìn vào
3.2.2 Khu vực Chánh điện Chùa Munir Ansay
Phía trước chánh điện là Tháp Xá Lợi và cầu thang dẫn lên với nhiều bậc thang lát bằng đá hoa cương đỏ vàng.
Điều khác lạ trong kiến trúc Chùa Munir Ansay là phần chánh điện được xây cách mặt đất khoảng 1m nên khá cao ráo và sạch sẽ, được trang trí bằng các nét phù điêu nổi bật, những chạm khắc tinh xảo. Các hoa văn thường thấy là hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ, Chim thần Kâyno, Chằn Yeak,…đây đều là những linh vật trong Bà la môn của người Khmer.
Những ngôi chùa theo Phật giáo Nam tông Tiểu thừa thường chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chùa Munir Ansay cũng là một trường hợp không ngoại lệ với một bệ thờ Phật Thích Ca, bệ tượng là một tòa sen chia thành nhiều cấp, trên tòa sen Đức Phật được đặt ở chính giữa.
Bên cạnh đó, những bức tường trong chánh điện Chùa Munir Ansay cũng được tô điểm bằng những bức bích họa kể lại cuộc đời của Đức Phật từ khi sinh ra cho đến lúc niết bàn.
Khu vực chánh điện của Chùa Munir Ansay được trang trí lộng lẫy nhưng không kém phần tôn nghiêm
Các đường nét hoa văn tinh xảo tạo nên sự đặc biệt của ngôi Chùa Munir Ansay
Trên sân thượng chùa còn các bức tượng Phật với nhiều tư thế khác nhau
3.2.3 Những lễ hội
Bên cạnh những ngày lễ lớn của Đức Phật, Chùa Munir Ansay còn tổ chức các ngày lễ hội lớn của người Khmer, có thể kể đến một số ngày lễ như Ok-om-Book – lễ đưa nước (tháng 10 âm lịch) Cholchonam Thomay – tết năm mới (ngày 13, 14, 15 tháng 3 âm lịch), Donta – lễ cúng ông bà (tháng 8 âm lịch), lễ Dâng Y của đồng bào Khmer… Nếu may mắn bạn có thể tham dự các buổi lễ này để hiểu phần văn hóa và đời sống của người đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ.
Lễ hội tại Chùa Munir Ansay quy tụ nhiều quý Phật tủ cùng người dân đến thắp hương, cúng bái
Cẩm nang du lịch của bạn sẽ có thêm một địa chỉ tâm linh mới bên cạnh Chùa Pôthi Somrôn trong hành trình khám phá của bản thân, đó là Chùa Munir Ansay. Có thêm trải nghiệm mới, ta có thêm hành trang mới để chinh phục những thử thách lớn hơn. Chần chờ gì mà không lên đường khám phá một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất xứ Tây Đô – Chùa Munir Ansay ngay thôi!