1. Đôi nét về truyền thống lễ Cúng Thần Bơmung
Churu là một trong ba dân tộc bản địa gốc Lâm Đồng, mà văn hóa của họ đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa chung của mảnh đất này. Là một dân tộc chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp từ thời xa xưa cho đến nay nên các lễ hội của người Churu cũng xoay quanh cúng thần nước, cúng thần lúa khi gieo hạt, cúng mừng lúa mới, cúng sau mùa gặt… Trong đó , đáng chú ý nhất phải nhắc đến lễ Cúng Thần Bơmung hay còn gọi là lễ cúng thần đập nước.
Nhười Churu cùng nhau tập trung ở sân đình, cùng nhau chuẩn bị cho lễ Cúng Thần Bơmung
Lễ Cúng Thần Bơmung là nghi lễ thể hiện sự biết ơn và lòng thánh kính cảm tạ của người dân tộc Churu đối với vị thần nước. Vì trong nông nghiệp, việc có nguồn nước dồi dào là vô cùng quan trọng, quyết định rất lớn đến việc mùa màng có bội thu hay không, người dân có được no đủ hay không. Vì thế từ xa xưa, các thế hệ cha ông người Churu đã duy trì tập tục này, mỗi khi bước qua năm mới sẽ tổ chức lễ hội để cảm tạ thần linh và cầu nguyện cho một năm mới tiếp tục được mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió.
Xem thêm: Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên – Giá trị văn hóa ngàn đời
2. Nghi lễ Cúng Thần Bơmung
2.1 Thời gian diễn ra lễ cúng Thần Bơmung
Lễ cúng thần Bơmung được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm, sau Tết Nguyên đán không lâu. Lễ hội được tổ chức hàng năm, diễn ra liên tục trong 3 ngày, với sự tham gia của tất cả người dân trong bản làng.
2.2 Diễn biến lễ cúng Thần Bơmung
Ngày lễ cúng Thần Bơmung diễn ra, từ sáng sớm tinh sương người dân Churu đã tập trung đông đảo trước sân đình. Tất cả mặc trang phục cổ truyền của dân tộc, thẳng thớm, tươm tất, xếp thành từng hàng ngay ngắn, một bên là nam giới một bên là nữ giới.
Thầy cúng sẽ là người thực hiện việc cúng bái. Dân tộc Churu có những bài cúng dành riêng cho thần Bơmung, thể hiện sự tôn sùng và biết ơn mà họ dành cho vị thần này. Lễ cúng được tổ chức liên tục trong nhiều giờ, với những bài tế liên tục, mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với cộng đồng người Churu tại Lâm Đồng.
Những điệu múa cổ truyền của người dân tộc Churu được biểu diễn trong lễ Cúng Thần Bơmung
Sau khi nghi thức cúng thần kết thúc, thầy cúng sẽ giao cho một người nam và một người nữ, đại diện cho hai hàng, mỗi người một cặp gà để làm cỗ. Cùng với các đồ cúng khác, người dân sẽ tập trung bày biện những mâm cúng dành cho Yàng (tên gọi của vị chúa tể thần linh – Ông Trời). Lễ cúng tiếp theo này là lòng thành kính gửi đến Yàng, mong Yàng sẽ phù hộ cho tất cả mọi người trong buôn làng được mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm, cuộc sống no đủ.
Xem thêm: Lễ Cúng Thần Suối – Lễ hội truyền thống của người dân tộc Mạ
Như vậy trong ba ngày lễ cúng Thần Bơmung, người Churu không chỉ làm lễ cho thần nước mà còn tế lễ cho Yàng để nguyện cầu những điều may mắn nhất cho một năm mới. Bên cạnh đó đây cũng là dịp để người dân trong thôn bản gắn chặt tình cảm làng xóm, cùng nhau chuẩn bị lễ, cùng bái tế chư vị thần linh, rồi cùng ăn uống, vui chơi.
Cho đến hiện nay dù du lịch ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đã có rất nhiều bước phát triển nhưng vẫn không làm mai một hay thay đổi phong tục này của người Churu. Vì thế nếu có cơ hội đến mảnh đất xinh đẹp này vào dịp tháng 2 âm lịch, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá Đà Lạt với lễ cúng Thần Bơmung nhé.