1. Đôi nét về Lễ hội Cầu bông Bình Phước
1.1 Nguồn gốc của Lễ hội Cầu bông
Lễ hội Cầu bông Bình Phước được tổ chức lần đầu tiên vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có nhiều nét tương đồng với Hội Cầu Bông Hội An. Lễ hội này gắn liền với quá trình xây dựng các ngôi đình thần, canh tác nông nghiệp và quan niệm uống nước nhớ nguồn của cộng đồng người Kinh tại Bình Phước. Lễ hội Cầu bông cùng với Lễ hội vía Bà Rá Phước Long trở thành hai trong số các lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng người Kinh tại Bình Phước.
1.2 Địa điểm tổ chức Lễ hội Cầu bông Bình Phước
Trước đây Lễ hội Cầu bông Bình Phước được tổ chức theo quy mô từng làng, tùy thuộc vào trưởng làng quyết định thời gian mà nhân dân trong làng sẽ thực hiện theo. Còn hiện nay, lễ hội được Tỉnh ủy Bình Phước quan tâm, hàng năm sẽ được tổ chức tại năm ngôi đình và một miếu thờ Thành hoàng trên địa bàn tỉnh, bao gồm: đình Hưng Long (thuộc thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), đình Tân Khai (thuộc xã Tân Khai, huyện Hớn Quản), đình Thanh An (xã Thanh An, huyện Hớn Quản), đình Suối Cạn (xã Minh Hưng, huyện Hớn Quản), đình Tân Lập Phú (phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long), miếu Đức Hòa (thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng).
Lễ hội Cầu bông Bình Phước là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Kinh
1.3 Thời gian tổ chức Lễ hội Cầu bông Bình Phước
Hàng năm, tại các đình thần kể trên sẽ thường tổ chức hai nghi lễ cúng tế các vị Thần Thành Hoàng đó là Lễ Kỳ yên và Lễ Cầu bông. Trong đó, lễ hội Cầu bông sẽ được tổ chức tại mỗi địa điểm vào một ngày khác nhau, nhưng tựu chung lại thì thường được tổ chức vào tháng tám, tháng chín và tháng mười âm lịch. Dưới đây là thời điểm tổ chức bạn có thể tham khảo để tham gia nếu có dịp nhé:
– Đình thần Hưng Long tổ chức Lễ hội Cầu bông Bình Phước vào ngày 15 và 16/7 âm lịch.
– Đình thần Tân Khai tổ chức vào ngày 17 và 18/8 âm lịch.
– Đình thần Thanh An tổ chức vào ngày 15 và 16/10 âm lịch.
– Đình thần Tân Lập Phú tổ chức vào ngày 8 và 9/10 âm lịch.
– Miếu thần hoàng Đức Hòa tổ chức Lễ hội Cầu bông Bình Phước từ ngày 13 đến 14/10 âm lịch.
– Đình thần Suối Cạn tổ chức vào ngày 18/6 âm lịch.
Rất nhiều du khách gần xa đổ về tham gia Lễ Cầu bông Bình Phước
Theo phong tục của người dân Bình Phước thì cứ 3 năm sẽ tổ chức đại lễ một lần với quy mô lớn hơn so với Lễ hội Cầu bông Bình Phước thông thường, gọi là tục tam niên đáo lệ. Trong đại lễ sẽ có những tiết mục hát bội rất độc đáo.
Xem thêm: Khám phá nét độc đáo của Lễ Bỏ mả tại Bình Phước
1.4 Ý nghĩa Lễ hội Cầu bông Bình Phước
Tại Bình Phước, người dân chủ yếu trồng hai loại lúa là lúa rẫy và lúa nước. Lúa rẫy bắt đầu canh tác từ khoảng tháng 5, lúa nước thì từ tháng 6 dương lịch, đến khoảng tháng 8, tháng 9 sẽ là giai đoạn trổ đòng, đơm bông. Các hoạt động nông nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều vào các yếu tố từ tự nhiên như: khí hậu, nguồn nước, đất đai… nên quá trình canh tác sẽ gặp nhiều rủi ro, chỉ cần một yếu tố không thuận lợi là năm ấy sẽ mất mùa. Vì thế nên người dân mới tổ chức Lễ hội Cầu bông Bình Phước trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, mang ý nghĩa cầu nguyện cây trồng đơm đòng trĩu nặng, mùa màng bội thu để mọi nhà được được no ấm, thịnh vượng.
Người dân đang thắp nhang khấn vái những điều tốt lành sẽ đến với bản thân và gia đình
Đồng thời, lễ hội này cũng là dịp để người dân Bình Phước thể hiện lòng thành kính, cảm tạ công đức của Thành Hoàng làng và những người đã có công khai khẩn đất hoang, dựng nên xóm làng, cộng đồng. Vì thế cho đến tận ngày nay, người dân vẫn duy trì tổ chức Lễ hội Cầu bông Bình Phước chính là để cầu mong các vị nhiên thần, nhân thần, Thành Hoàng cùng các bậc tiền hiền sẽ phù hộ, bảo trợ cho người dân được cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa cho cây trái tốt tươi, sai trĩu quả.
2. Những nghi lễ trong Lễ hội Cầu bông Bình Phước
Lễ hội Cầu bông Bình Phước được tổ chức kéo dài trong hai ngày: Ngày thứ nhất sẽ là lễ trình thần, lễ rước bội, lễ thỉnh sanh, lễ tiên thường. Đến ngày thứ hai sẽ là lễ chính tế cùng các nghi thức khác, sau đó sẽ tổ chức diễn trò, bao gồm các tiết mục nghệ thuật dân gian độc đáo. Các nghi thức của lễ hội sẽ thực hiện theo các quan niệm đạo Phật, khác hoàn toàn so với những lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số như Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới hay Lễ hội cầu mưa.
2.1 Các nghi lễ trong ngày thứ nhất
Lễ trình thần
Lễ trình thần thực hiện vào 14h00 chiều ngày thứ nhất để dâng lễ trình báo với Thành Hoàng. Nghi thức cúng sẽ được thực hiện bởi các vị bô lão trong trang phục gọn gàng, khấn cúng niệm hương và không đọc văn tế. Sau khi thực hiện xong nghi thức cúng thì những người tham gia sẽ xếp hàng dâng hương lên bàn thờ Thành Hoàng.
Các nghi lễ được thực hiện một cách nghiêm trang, chỉn chu
Lễ thỉnh sanh
Lễ thỉnh sanh thực hiện vào lúc 15h00 chiều, sau khi kết thúc lễ Trình thần. Các bô lão sẽ dâng trình lễ vật và xin Thành Hoàng cho phép mổ heo để dùng cho lễ hội. Heo được lựa chọn rất kỹ, phải là loại heo chỉ có một màu lông để thể hiện cho sự vẹn nguyên và thành tâm của vật lễ dâng lên Thành Hoàng. Heo sống được dâng lên để thực hiện nghi thức cúng lễ thỉnh sanh rồi mới được mang đi mổ thịt. Một ít huyết heo và một nhúm lông gáy thêm một nhúm lông đuôi của con heo sẽ được giữ lại. Thịt heo được làm xong, rửa sạch sẽ, đưa nguyên con lên chính điện cùng với phần huyết mao để cúng, còn phần lòng heo và huyết heo sẽ dùng để nấu cháo dâng lên cúng ở đình thần.
Lễ tiên thường
Tiếp tục Lễ hội Cầu bông Bình Phước là Lễ tiên thường thực hiện lúc 18 giờ chiều. Lễ vật dâng cúng chính là thịt heo sống nguyên con đã mổ thịt sau Lễ thỉnh sanh, cùng với cháo đã nấu chín. Các thành viên trong Ban Quý tế sẽ đứng trước bàn thờ Thành Hoàng bái ba bái rồi dâng hương, sau khi xong thì phần tiền vàng trên bàn thờ sẽ được mang đi đốt, kết thúc ngày lễ thứ nhất.
Những người làm lễ chỉn chu trong trang phục truyền thống
2.2 Các nghi lễ trong ngày thứ hai
Lễ chính tế
Lễ chính tế là nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ hội Cầu bông Bình Phước. Lễ vật Thành Hoàng sẽ bao gồm một phần thịt sườn heo sống với 7 thanh sườn, còn tại bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền thì là phần thịt heo sống với 5 thanh sườn, bàn thờ Chúa tể sơn lâm sẽ dâng lên một phần thịt heo sống thêm các lễ vật khác như hoa quả, nhang đèn, rượu, trà, cau trầu v.v. Đây cũng là lúc các khách thập phương sẽ mang các lễ vật đã chuẩn bị đặt lên bàn thờ để dâng cúng Thành Hoàng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền.
Lễ rước bội và hoạt động hát bội
Hát bội sẽ được tổ chức ba năm một lần, vào những năm đại lễ. Ban tổ chức lễ hội sẽ liên hệ với đoàn hát bội chuyên nghiệp để chuẩn bị các tiết mục võ ca để biểu diễn trước cửa đình. Các đoàn hát bội sẽ biểu diễn những tiết mục tuồng, tích gắn liền với lịch sử, văn hóa, các khúc sử thi thần thoại hoặc những câu chuyện dân gian nhằm giáo dục con người, một số tiết mục phổ biến như: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh, tiếng trống Mê Linh v.v.
Những phần biểu diễn hát bội rất đặc sắc
Ngoài ra, ngày thứ hai cũng tổ chức phần hội với những trò chơi dân gian quen thuộc như chọi gà, đụng trâu, đi cà kheo, đánh cờ, cho chữ v.v. Quanh khu vực Lễ hội Cầu bông Bình Phước bạn có thể tìm thấy những gánh hàng rong bán đồ lưu niệm như vòng tay, móc chìa khóa, sách về Phật pháp để mua về làm kỉ niệm.
Các tiết mục múa lân cũng được biểu diễn trong Lễ hội Cầu bông Bình Phước
Trên đây là những thông tin về Lễ hội Cầu bông Bình Phước từ cẩm nang du lịch Chiasene.com. Chúc bạn sớm có cơ hội trải nghiệm không khí lễ hội tưng bừng và mang những giá trị truyền thống quý báu này nhé.