Menu

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang độc đáo của dân tộc Dao đỏ

1. Sự ra đời của lễ hội Cấp sắc Hà Giang

1.1 Nguồn gốc của lễ hội Cấp sắc Hà Giang

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang hay còn gọi là lễ phong sắc, tự cải được xem là buổi lễ quan trọng trong cuộc đời của người đàn ông dân tộc Dao Đỏ. Là một trong những nghi lễ độc đáo ở thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, lễ hội Cấp sắc Hà Giang mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo của người dân miền núi cao phía Bắc.

Mỗi lần tổ chức lễ hội Cấp sắc Hà Giang là một lần người dân nơi đây được dịp nghe lại nguồn gốc, xuất xứ của dân tộc mình từ xưa đến nay. Lễ hội tạo nên lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên. Đồng thời cũng biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí được sử dụng xuyên suốt buổi lễ.

Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao Đỏ. Góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng cũng như mang tính giáo dục rất lớn cho đất nước ta. Nếu bạn có dịp ghé đến mảnh đất Hà Giang, đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng nét đặc sắc của buổi lễ này nhé!

Xem thêm: Hòa mình vào Lễ hội chợ tình Khâu Vai hơn 100 năm

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang độc đáo của dân tộc Dao đỏ 2

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang là buổi lễ quan trọng trong cuộc đời của người đàn ông dân tộc Dao Đỏ

1.2 Mục đích của lễ hội

Mục đích của lễ hội Cấp sắc Hà Giang chính là chuyển giao từ giai đoạn trẻ con nên người đàn ông trưởng thành. Đối với dân tộc Dao Đỏ, dù cho còn ít tuổi nhưng nếu đã trải qua được lễ cấp sắc thì người đó vẫn được phép tham dự, bàn bạc những công việc của làng bản, của dòng họ. Tuy nhiên nếu người đàn ông cao tuổi vẫn chưa trải qua lễ cấp sắc thì vẫn bị xem như là chưa trưởng thành.

Ở dân tộc Dao Đỏ, các bé trai chỉ từ 12, 13 tuổi đã phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình, dòng họ, làng bản. Trẻ em tại đây được dạy dỗ rất cẩn thận, chu đáo nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc.

Lễ hội cấp sắc chính là lễ nghi khẳng định sự trưởng thành của người con trai. Để có thể tham dự lễ cấp sắc bản thân người đó phải nỗ lực thể hiện cho gia đình và dòng họ thấy được sự cố gắng và đồng ý thì mới được tổ chức buổi lễ.

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo của người dân miền núi cao phía Bắc

1.3 Ý nghĩa của lễ hội

Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ này chính là lời răng dạy. Không chỉ là một lễ nghi bình thường, lễ hội Cấp sắc Hà Giang còn mang ý nghĩa hướng tới việc thiện, không làm điều ác, tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ cũng như có lòng vị tha, không phản bội, không lừa gạt…

Trước sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và cả dòng tộc, những điều giáo huấn trong lễ hội này được ghi lại bằng văn bản. Một bản đốt tại lễ cấp sắc và một bản giao lại để người được cấp sắc lưu giữ suốt đời. Với ý nghĩa giáo dục lớn, lễ hội cấp sắc Hà Giang góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến. Thể hiện sự tín nghĩa trước sau như một trong văn hóa cộng đồng người dân tộc Dao Đỏ.

Lễ hội mang ý nghĩa hướng đến những việc thiện, tuyệt đối không làm điều ác. Ảnh: Photo tour PYS Travel

2. Thời gian và địa điểm diễn ra lễ hội

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang thường được tổ chức vào những ngày cuối năm hoặc đầu năm mới. Cụ thể là vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm tại thôn Nậm Đăm, huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang. Ngày xưa, buổi lễ được tổ chức và kéo dài trong suốt ba ngày liền. Đến thời nay thì nghi lễ đã được rút ngắn lại thành hai ngày một đêm hoặc ít hơn vì gồm rất nhiều lễ nghi và thủ tục phức tạp.

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang thường được tổ chức vào những ngày cuối năm hoặc đầu năm mới. Ảnh: Photo tour PYS Travel

3. Lễ hội Cấp sắc Hà Giang có gì thú vị?

3.1 Phần lễ

Trong vòng 3 ngày diễn ra lễ hội Cấp sắc Hà Giang, các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự làm lễ khai đàn. Việc này nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ cũng như xin phép tổ chức làm lễ cấp sắc và phù hộ cho gia đình của những đứa trẻ trưởng thành. Ngày được chọn làm lễ được cả dòng họ bàn bạc, lựa chọn rất kỹ.

Mỗi một đợt tổ chức cho tối đa 13 người từ độ tuổi 12 đến 30, nếu ít hơn thì phải theo số lẻ. Mỗi một lễ cấp sắc phải có 6, 7 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và nghi lễ lớn nhỏ khác nhau như Lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên và thần thánh…

Trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin sự phù hộ và giúp đỡ. Trong lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Sau khi xong lễ trình diện sẽ đến lễ hạ đèn. Người được cấp sắc ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre cây nứa ngang vai có đục và xuyên thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến làm lễ.

Tại nơi hành lễ luôn phải treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao. Khi hành lễ các thầy cúng thực hiện rất nhiều bài cúng, múa điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc. Người được cắp sắc lẫn người vợ cũng phải thực hiện theo nhiều nghi lễ. Người thụ lễ được cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Cũng như được cấp pháp danh và ghi tên âm vào trong đó để khi mất có thể về được với tổ tiên.

Lễ cấp sắc có nhiều bậc. Bậc đầu tiên sẽ được cấp 3 đèn vàng và 36 binh mã. Đây là nghi thức thông thường được diễn ra trong giai cấp sắc của người Dao đỏ. Trong khi đó bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã. Cuối cùng là được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Sau khi cấp sắc, người đàn ông có quyền được làm thầy cúng.

Ngày xưa, lễ cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới và khá tốn kém dao động từ 7 đến 20 triệu. Tuy nhiên ngày nay nhiều bản người Dao đã cho phép anh em trong nhà hoặc họ hàng gần nhau có thể tổ chức lễ cấp sắc cùng một lúc, không kể lớn bé, già trẻ. Mỗi họ hàng tới dự phải mang theo rượu, tiền cũng như giúp đỡ mỗi người một tay để chuẩn bị cho buổi lễ được diễn ra một cách chu đáo nhất.

Mỗi một lễ cấp sắc phải có 6, 7 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Ảnh: Photo tour PYS Travel

3.2 Phần hội

Ban đêm chính là lúc phần lễ và phần hội cùng diễn ra sau khi hoàn thành hết các nghi lễ. Người dân trong thôn sẽ cùng nhau kéo đến kín rạp nhà gia chủ ăn uống đến tận sáng. Có thể vừa cúng, vừa múa kiếm, gõ nhịp trống cũng như cất tiếng hát vang lên tạo bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng

Kết thúc nghi lễ các thầy múa sẽ dâng rượu, lễ vật và nhảy múa ba vòng ở ngoài sân nhằm cảm tạ thần linh đã giúp đỡ tổ chức lễ thành công. Vào ngày tết Âm hằng năm, trò được thầy cúng tổ chức lễ hội cấp sắc phải mang giấy cúng, thịt lợn và một con gà đến tạ ơn nhằm thể hiện sự tín nghĩa, trước sau như một trong văn hóa cộng đồng.

Với ý nghĩa giáo dục to lớn, lễ hội Cấp sách Hà Giang chính là một bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Dao Đỏ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng núi phía Bắc của tổ quốc.

Kết thúc nghi lễ các thầy múa sẽ dâng rượu, lễ vật và nhảy múa ba vòng ở ngoài sân nhằm cảm tạ thần linh. Ảnh: Photo tour PYS Travel

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang chính là một nét văn hóa, truyền thống điển hình còn lưu lại đến ngày nay của người dân tộc Dao đỏ. Mang tính giáo dục rất lớn và nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội hướng con người đến với những điều thiện, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, những truyền thống quý báu của đất nước ta từ bao đời. Đừng quên khám phá thêm Lễ hội mùa xuân Hà Giang khi đặt chân đến mảnh đất này vào đầu năm bạn nhé!

Lễ hội Cấp sắc Hà Giang của người dân tộc Dao đỏ (Phần 1). Video: Youtube/Bàn Tàn

Bình Luận