1. Giới thiệu về Lễ hội nhảy lửa Hà Giang
1.1 Giới thiệu về người Pà Thẻn – Linh hồn của Lễ hội nhảy lửa Hà Giang
Người Pà Thẻn là đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc, với dân số tính đến năm 2020 khoảng 3700 người, tập trung sinh sống tại 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Cũng giống như các dân tộc ở miền núi khác, nghề lao động chính của người Pà Thẻn là làm nương rẫy với lúa, ngô là cây lương thực chủ đạo. Chính trong những công việc hằng ngày vất vả nhưng tràn đầy niềm vui đó đã tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của con người nơi đây. Lễ hội nhảy lửa Hà Giang đã ra đời trong điều kiện đó, gửi gắm niềm tin và hy vọng của nhân dân về khao khát chinh phục và làm chủ được thiên nhiên.
Người Pà Thẻn trong bộ trang phục truyền thống
1.2 Thời gian, địa điểm tổ chức Lễ hội nhảy lửa Hà Giang
Lễ hội nhảy lửa Hà Giang được tổ chức trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cũng là lúc người dân bắt đầu thu hoạch nông sản sau một năm chăm bón. Tùy vào điều kiện và ngày giờ tốt được chọn mà lễ hội sẽ được tổ chức trong tháng 10, tháng 11 âm lịch đến rằm tháng giêng năm sau.
Lễ hội nhảy lửa Hà Giang được tổ chức tại xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Vào dịp lễ này, hoạt động nhảy lửa sẽ được diễn ra trên một khoảng đất rộng được rào lại thành một vòng tròn ngăn cách giữa những người tham gia chính và người đến xem, tham quan trải nghiệm.
Dân làng chuẩn bị lễ vật để làm mâm cỗ dâng bề trên
Xem thêm: Lễ hội Gầu Tào Hà Giang – Lễ hội đặc sắc của đồng bào người Mông
2. Các hoạt động trong Lễ hội nhảy lửa Hà Giang
Khi mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, các thầy cúng sẽ bắt đầu làm lễ để xin phép thần linh cho lễ hội được tổ chức. Các thầy sẽ bày dọn mâm cỗ, thắp nến để soi sáng màn đêm, rồi thắp ba nén nhang cắm vào bát hương đặt ở trên bàn và ba nén nhang khác cắm ngay phía dưới đất cạnh chỗ ngồi của thầy cúng. Sau đó, thầy cúng sẽ làm phép, kêu gọi các vị thần trên trời hạ thế để hòa mình vào tiếng nhạc nhịp nhàng và ban cho những người tham gia sức mạnh để vượt qua thử thách. Khoảng 20 phút đến 30 phút sau, tay chân của những trai tráng tham gia bỗng dưng giật mạnh liên hồi, ánh mắt đầy sự quyết tâm, đầu lắc lư theo sự cổ vũ của người dân xung quanh. Theo tín ngưỡng của người Pà Thẻn, đây là lúc các thần linh giáng trần và nhập hồn vào người tham gia.
Khi đã có được sức mạnh của bề trên, trai tráng trong vùng lần lượt lao vào nhảy múa trên đốm lửa đỏ hồng đặt ngay giữa vòng tròn tổ chức lễ hội với bàn chân trần không có gì bảo vệ. Một số người tự tin còn bốc hòn than đang cháy rực lên, thậm chí nhai trong miệng trước sự kinh ngạc và hồ hởi của những người xung quanh. Khi đã quen dần với nhiệt độ, những người tham gia sẽ cùng hòa chung một điệu nhảy trên đốm lửa đang cháy, miệng ngân nga những câu hát truyền thống của người Pà Thẻn.
Đỉnh điểm của lễ hội nhảy lửa Hà Giang là khi đến lượt toàn thân của thầy cúng cũng rung lên bần bật, tung mình thăng hoa vào đám lửa cháy rực. Màu áo đỏ truyền thống của người Pà Thẻn hòa lẫn với màu than hồng rực rỡ tạo nên một khung cảnh khó quên với những ai trực tiếp chứng kiến.
Thầy cúng cầu thần linh về chung vui và ban phước lành cho dân làng
Hai người chờ thầy cúng hoàn thành nghi lễ để nhảy lửa
Thầy cúng bắt đầu làm phép để hòa chung điệu nhảy trên đám lửa với trai tráng
3. Ý nghĩa của Lễ hội nhảy lửa Hà Giang
Lễ hội nhảy lửa Hà Giang có một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn. Theo đó, họ quan niệm nhảy lửa là nghi lễ đón các vị thần giáng trần chung vui với xóm làng, phù hộ cho người dân có nhiều sức khỏe, được mùa, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, tín ngưỡng của đồng bào này còn cho rằng việc nhảy lửa sẽ tăng thêm sức mạnh, sự bền bỉ để dân làng vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên và lao động tạo ra của cải. Những người thầy cúng hoặc đang học nghề cúng bái cũng được cho là sẽ trở nên thông minh vượt bậc sau mỗi lần tham gia lễ hội.
Một người Pà Thẻn thể hiện kĩ năng nhảy trên đám lửa đang cháy rực của mình
Lễ hội nhảy lửa Hà Giang là lễ hội truyền thống độc đáo, mang nhiều ý nghĩa tâm linh và tinh thần của người dân tộc Pà Thẻn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hãy đến và hòa mình với người dân nơi đây trong đám lửa cháy rực để hiểu rõ hơn về lễ hội tượng trưng cho sự vươn lên của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt này. Ngoài ra bạn cũng có thể tham gia vào nhiều lễ hội lớn khác tại đây như: lễ hội Gầu Tào, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội cầu trăng… nữa đấy nhé.