Một điểm độc đáo tại vùng đất Cà Mau đó là nơi đây sở hữu vô số lễ hội dân gian truyền thống lớn nhỏ được diễn ra hằng năm như lễ hội Vía Bà Thiên Hậu, lễ Kỳ Yên Đình Thần Tân Lộc, lễ Tết Chôl Chnăm Thmây của tộc người Khmer… Mỗi lễ hội đều mang trong mình những đặc trưng riêng biệt nhưng tất cả đều ẩn chứa nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Và chính vì lẽ đó, lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau cũng không phải ngoại lệ. Bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xưa của cộng đồng người Trung Hoa đang sinh sống ở Cà Mau, lễ hội này chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm độc đáo và khó quên.
1. Sự ra đời của lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau
1.1 Nguồn gốc hình thành của lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau
Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau được biết đến là một trong những nghi lễ lớn và đặc sắc nhất của cộng đồng người Hoa đang cư trú ở đây. Theo lời kể của người dân bản địa, lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu. Tương truyền rằng, vào năm 16 tuổi, Bà Thiên Hậu vô tình nhặt được Thiên thư trong một cái giếng cạn và biết được mọi phép thần thông biến hóa, trở thành vị thần cứu nhân độ thế, giúp nhiều người dân tai qua nạn khỏi. Sau khi mất, linh hồn của Bà Thiên Hậu vẫn luôn hiển linh. Đặc biệt, sự linh thiêng của Bà đã cứu giúp rất nhiều tàu thuyền gặp hoạn nạn trên biển khơi. Chính vì vậy, người Trung Hoa xem Bà Thiên Hậu là đấng linh thiêng đã phù hộ độ trì, giúp đỡ họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Di cư đến đâu, họ lập đền thờ Bà đến đấy nên mới có Chùa Bà Thiên Hậu và lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau ngày nay.
Xem thêm: Lễ hội bánh Cà Mau và những nét văn hóa đặc sắc nên khám phá
Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau là nghi lễ lớn nhất trong năm của cộng đồng người Hoa sinh sống tại đây. Ảnh: Mekong Delta Explorer
1.2 Ý nghĩa của lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau
Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau tượng trưng cho tín ngưỡng tâm linh đặc sắc của cộng đồng người Hoa và những ước mong về một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc. Không chỉ thế, lễ hội ở Cà Mau này còn thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái sâu sắc của đồng bào Kinh – Hoa trong khối đại đoàn kết các gia đình dân tộc Việt Nam. Người Hoa trực tiếp gìn giữ, bảo tồn và phát triển lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau nhưng vì phù hợp với những đặc trưng về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt cùng với hệ thống thờ Mẫu ở nước ta như Bà Chúa Xứ, Thiên Y Ana, Bà Đen… nên nghi lễ này cũng được đông đảo người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc hưởng ứng nhiệt tình.
Lễ hội tượng trưng cho tín ngưỡng tâm linh thờ Bà Thiên Hậu với mục đích cầu cho quốc thái dân an, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Mekong Delta Explorer
2. Thời gian và địa điểm diễn ra lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau
Hằng năm, lễ hội vía Bà Thiên Hậu Cà Mau được tổ chức đúng vào lúc 9 giờ ngày 23 tháng 3 âm lịch (vì người Trung Hoa có quan niệm rằng số 9 là số may mắn) tại Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu thuộc phường 2, thành phố Cà Mau. Cứ đến dịp này, người dân tứ xứ đều đổ về đây để dâng hương, cúng lễ và cầu bình an, may mắn, tài lộc.
Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu tại thành phố Cà Mau là nơi tổ chức lễ hội
3. Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau có gì đặc sắc?
3.1 Không gian nơi tổ chức lễ hội
Nếu lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc diễn ra tại Lăng Ông Nam Hải thì lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau được tổ chức linh đình ở Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng vào năm 1882 bởi cộng đồng người Hoa di dân đến sinh cơ, lập nghiệp tại Thới Bình, tỉnh Cà Mau với kiến trúc theo thế Thiên tỉnh (nghĩa là Giếng trời). Trước ngày diễn ra lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau, cộng đồng người Hoa tại đây sẽ trang trí lộng lẫy các khu vực bên trong và ngoài nơi thờ Bà. Không gian ở chính điện cực kỳ trang nghiêm, xung quanh treo nhiều câu đối màu đỏ tươi và khói nhang nghi ngút trông rất huyền ảo. Giữa chính điện là nơi thờ tượng Bà, bên dưới thờ thần Hổ và hai phía tả hữu thờ Thổ thần cùng với Thần hoàng bổn cảnh. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, từng đoàn người nhộn nhịp với chiêng, trống, lân sư rồng cùng cờ, hoa phấp phới sẽ diễu hành qua các cung đường nội ô thành phố Cà Mau để không khí của Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu sắp tới càng thêm rộn ràng, náo nhiệt.
Trước lễ hội, Chùa Bà được trang hoàng vô cùng lộng lẫy
3.2 Các nghi thức trong lễ hội Vía Bà Thiên Hậu
Vào ngày lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau, Ban Trị Sự Chùa Bà sẽ tổ chức rất nhiều nghi thức cúng tế thiêng liêng. Trong đó bao gồm nghi lễ tắm tượng Bà nhằm phủi đi những lớp bụi và thay vào xiêm y mới, lễ dâng hương chiêm bái bà Thiên Hậu cùng vô số hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Các lễ vật được dâng lên nhằm cầu mong Bà tiếp tục phù hộ, che chở cho con dân có được cuộc sống no đủ, làm ăn phát đạt và gặp nhiều điều may mắn.
Trong quá trình cử hành các nghi thức của lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau, đại diện Ban Trị Sự sẽ đọc bài diễn văn bằng tiếng Trung Hoa với nội dung ca ngợi công ơn của Bà, sau đó dâng hương khoảng ba tuần trà cùng với mảnh giấy đỏ có viết dòng chữ “tam sinh, ngũ quả”. Theo quan niệm của người Hoa, đốt nhang, nến là biểu tượng mong được giao tiếp với Bà Thiên Hậu và chuyển lời cầu nguyện quốc thái dân an, mùa màng sung túc đến với các vị thần linh. Nhang cầu an cứ thế cháy suốt ngày đêm trong vòng một tháng và đây cũng chính là nét đặc trưng của lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau.
Cộng đồng người Hoa tại Cà Mau dâng lễ vật lên Bà Thiên Hậu. Ảnh: Ca Mau Travel Portal
Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau là nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc của cộng đồng người Hoa và thể hiện rõ nét tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, xứng đáng để bạn lưu lại vào cẩm nang du lịch của mình. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này, bạn đừng quên trải nghiệm bản sắc tín ngưỡng độc đáo này nhé.