Menu

Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt – Khám phá kiến trúc nhà thờ đậm màu sắc dân tộc miền sơn cước ở Đà Lạt

1. Tổng quan sơ lược về nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Vị trí: số 11 Đường Nguyễn Khuyến, Phường 5, Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam

Đã từ lâu, Đà Lạt luôn là điểm đến thu hút các du khách trong và ngoài nước gần xa bởi khí hậu se se lạnh quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, non nước hữu tình, cùng nhịp sống chậm rãi. Đến với thành phố sương mù, bạn sẽ có những phút giây thoải mái, xả “stress”, tận hưởng thời gian bên gia đình và bạn bè sau những ngày làm việc mệt mỏi. Không chỉ níu chân du khách bởi sự lãng mạn, thơ mộng của thiên nhiên, mà Đà Lạt còn gây ấn tượng bởi các nhà thờ đẹp tựa châu Âu, có kiến trúc và lịch sử lâu đời, nào là nhà thờ Con Gà, nhà thờ Domaine de Marie… Trong đó, nổi bật có nhà thờ Cam Ly Đà Lạt. Đây là nhà thờ được xem là có kiến trúc độc đáo nhất xứ ngàn hoa, thể hiện sự sùng bái chúa trời hòa nhập với Yàng.

Xem thêm: Nhà thờ Con Gà – Đắm say trước vẻ đẹp châu Âu cổ kính giữa lòng Đà Lạt

Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt - Khám phá kiến trúc nhà thờ đậm màu sắc dân tộc miền sơn cước ở Đà Lạt 2

Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt, còn có “nik-name” khác là nhà thờ Sơn Cước, hoặc có người gọi là nhà thờ Gỗ

Đây là nhà thờ công giáo của giáo hội Việt Nam, phục vụ chủ yếu cho các đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực phía Tây thành phố sương mù

Hiện nay, nhà thờ Cam Ly Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn với những ai đam mê khám phá kiến trúc tại thành phố ngàn hoa

2. Giá vé vào cổng của nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Chắc hẳn các bạn đang thắc mắc giá vé tham quan nhà thờ Cam Ly Đà Lạt là bao nhiêu đúng không? Vậy thì để Chiasene.com bật mí luôn là, du khách hoàn toàn không hề mất phí nhé! Hội “chị em” tha hồ xách ba lô lên và hớn hở tới nhà thờ này để làm vài bộ ảnh sống ảo trên mạng xã hội rồi.

3. Hướng dẫn cách di chuyển đến nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt nằm cách trung tâm nội thành khoảng 5km, nên du khách dễ dàng di chuyển đến đây mà không ngại lạc đường. Bạn nên mang “bảo bối” Google Maps theo cho an tâm nhé!

Xuất phát từ chợ Đà Lạt, du khách di chuyển theo đường Hoà Bình để ra đến đường 3 tháng 2. Từ đây, bạn chạy thêm khoảng 500m nữa sẽ thấy xuất hiện một vòng xoay, sau đó rẽ phải tới đường Hải Thượng. Du khách tiếp tục di chuyển trên đường Hải Thượng sẽ đến đường Trần Bình Trọng. Cuối cùng, bạn chỉ cần di chuyển tới hết đường Trần Bình Trọng, tới đường Nguyễn Khuyến, nhìn bên tay phải sẽ thấy nhà thờ Cam Ly Đà Lạt thôi. Cũng không khó đúng không nào?

4. Lịch sử hình thành nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt lấy từ ý tưởng táo bạo của một linh mục người Pháp Boutary. Vị linh mục này yêu văn hoá của người Thượng bản địa và mến thương Đà Lạt. Ông đã gắn bó nhiều năm với mảnh đất này (từ năm 1952 và rời đi năm 1975), nên rất thấu hiểu đời sống sinh hoạt, cũng như giá trị văn hoá của dân tộc thiểu số để truyền bá đức tin tôn giáo. Chính vì thế, ông đã “thả thính” ý tưởng sáng tạo về một ngôi nhà chung của Chúa và Yàng, bằng cách xây dựng nhà thờ Cam Ly Đà Lạt.

Công trình nhà thờ Cam Ly Đà Lạt mang đậm dấu ấn vùng đất bản địa, do linh mục Jean Kernarrec thiết kế bản vẽ và chủ nhà thầu là Nguyễn Thanh Hồ đứng ra xây dựng

Nhà thờ này được khởi công từ cuối năm 1959 và hoàn thành vào năm 1967 rồi đưa vào hoạt động. Vậy là sau khoảng thời gian tận 8 năm miệt mài, không bỏ cuộc, nhà thờ Cam Ly Đà Lạt cũng hoàn tất, cho chúng ta thấy đây là một công trình chứa đầy sự nhiệt huyết và tận tâm của người đầu tư xây dựng.

5. Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt có gì thú vị hấp dẫn du khách?

5.1 Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Không phải tự nhiên mà nhà thờ Cam Ly Đà Lạt còn được gọi là nhà thờ Sơn Cước, bởi vì không gian và kiến trúc nơi đây chan hoà cùng thiên nhiên núi rừng Đà Lạt, làm trỗi dậy cảm xúc thăng hoa đối với những du khách đã quen cuộc sống đời thường nơi phố thị, và đánh thức nỗi nhớ trong lòng những ai thích chinh phục bao điều kỳ thú của thiên nhiên. Nhà thờ Cam Ly Đà Lạt được cách điệu từ mái nhà rông cổ truyền của vùng đất Tây Nguyên để xây dựng lên giáo đường độc đáo, thể hiện được theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc, khi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc châu Âu cổ điển và truyền thống của người dân tộc. Đặc biệt hơn là rất phù hợp với điều kiện khí hậu ôn đới vùng cao nguyên Lâm Viên: hay gió, hay mưa. Nhìn căn nhà rông mà bạn đừng vội nghĩ là dễ xây nhé, nếu vậy thì đã không mất tận 8 năm hoàn thành rồi.

Mặt bằng nhà thờ Cam Ly Đà Lạt là hình chữ nhật, có diện tích khiêm tốn 324 m2, với 2 không gian chính. Trong đó, 1/3 diện tích dành cho cung thánh, và 2/3 diện tích còn lại là dành cho các tín đồ tham gia thánh lễ

Nhìn ngang chóp mái nhà thờ Cam Ly Đà Lạt gợi tưởng lên hình lưỡi rìu – vũ khí thô sơ gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào thiểu số

Mái nhà cao, đỉnh nhọn như mũi tên lao vút lên bầu trời, và được lợp bằng 80.000 viên ngói tổng trọng lượng lên tới 90 tấn

Ngoài ra, để chịu đựng được sức nặng của toàn bộ công trình, phần nền móng là quan trọng nhất. Chính vì thế, nhà thầu đã mất tận nửa năm để chăm chút xây dựng phần nền móng cho chắc chắn thôi đó! Phần cột trụ cao đến 3m, kích thước mỗi cột là 20 x 50cm, được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái trông rất ấn tượng.

Những cột bê tông khung thép chịu lực, được bảo vệ, che chở bởi bức tường thô mộc không tô màu, dày 40cm, có độ cao 2m

5.2 Vẻ đẹp yên bình ở nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Bên cạnh đó, phần trang trí nhà thờ Cam Ly Đà Lạt cũng đặc sắc không kém, khiến du khách cứ ngắm ngẩn ngơ mãi không thôi. Khi bước vào nhà thờ, bạn sẽ choáng ngợp bởi cách xử lý ánh sáng vô cùng thông minh ở không gian bên trong khi sử dụng những phần kính màu theo nhiều hình hoạ khác nhau. Vào ban ngày, không gian nhà nhờ sẽ được chiếu sáng bởi ánh nắng huyền ảo từ các ô cửa kính màu hình vuông, hình tam giác, tượng trưng cho trái đất và sự ưu việt của Chúa hay mặt trăng, mặt trời trong quan niệm về vũ trụ.

Đồng thời, các khung cửa liền nhau được trang trí cách điệu với các hoa văn dân tộc độc đáo.

Bàn thờ dài 3.9m, rộng 0.9m được làm bằng gỗ thông già lấy từ núi Langbiang. Đặc biệt, dưới chân thánh giá, trên tường đá có gắn 3 đầu trâu là vật tế lễ thần linh của đồng bào dân tộc

Bức tranh về muôn thú, núi rừng được treo bên trong nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Tất cả yếu tố kết hợp tạo nên một nét đẹp giản dị nhưng độc đáo, thu hút du khách khi khám phá Đà Lạt cũng phải dành chút thời gian dừng chân ở nhà thờ Cam Ly Đà Lạt luôn.

Ngay trước cổng chính nhà thờ là hình tượng hổ và phượng hoàng. Đây là hai con vật rất quen thuộc, bảo vệ người dân phố núi, tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh

5.3 Nơi nuôi dưỡng các trẻ em

Không chỉ là điểm tâm linh tín ngưỡng cho tín đồ đến cầu nguyện, hay nơi tham quan của các du khách, nhà thờ Cam Ly Đà Lạt còn là ngôi nhà thu nhận, và cưu mang những trẻ em mồ côi, hay nghèo khó trong vùng. Tuy nhà thờ không lớn hay xa hoa, lộng lẫy, nhưng tình thương dành cho các em là vô bờ bến. Thật ý nghĩa quá đúng không nào bạn ơi!

6. Một vài lưu ý cho du khách khi đến tham quan nhà thờ Cam Ly Đà Lạt

Khi tham quan nhà thờ Cam Ly Đà Lạt, du khách cần lưu ý những điều dưới đây:

– Vì nhà thờ Cam Ly Đà Lạt là nơi tâm linh tín ngưỡng, nên du khách cần mặc những trang phục phù hợp, trang nghiêm như quần jeans, áo thun, giày và tránh mặc quần áo phản cảm, quá ngắn.

– Nhà thờ rất ít khi mở cửa tham quan, du khách nên hỏi thời gian trước khi đến nhé!

– Mặc dù kiến trúc nhà thờ Cam Ly Đà Lạt rất độc đáo, nhưng du khách không nên vì chụp ảnh mà leo trèo xung quanh khu vực nhà thờ.

– Du khách cần phải giữ gìn vệ sinh chung và không xả rác trong khu vực nhà thờ.

Đặc biệt hơn nè, sau khi tham quan xong nhà thờ Cam Ly Đà Lạt, du khách còn có thể đến check-in những điểm du lịch hấp dẫn gần đó, nào là thác Cam Ly (cách 1.2km), ga Đà Lạt (khoảng 4.1km), nhà thờ Con Gà (2.4km), Dinh 3 Bảo Đại (tầm 2.4km). Bạn có thể tham khảo điểm tham quan khác ở Đà Lạt của Chiasene.com.

Bình Luận