Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước

1. Đôi nét về Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê

1.1 Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê ở đâu?

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê thuộc địa phần xã Trang, huyện Đak Đoa, Gia Lai. Toàn bộ cánh đồng có diện tích khoảng 50ha là nơi canh tác lúa nước của người dân làng Kol và làng Ghè. Mỗi năm, người dân sẽ canh tác hai vụ lúa, ngoài ra còn trồng xen kẽ vụ ngô.

1.2 Địa hình Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê

Theo lời kể của người dân xã Trang thì Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê hình thành từ khoảng 45 năm trước. Sau giải phóng, bộ đội và cán bộ đã về đây hướng dẫn dân làng cách canh tác lúa nước để có đủ nguồn lương thực phục vụ cuộc sống. Thế nhưng vì khu vực này chỉ toàn địa hình đồi núi khó giữ nước, đất dễ xói mòn, bạc màu nên bà con đã đắp bờ làm thành ruộng bậc thang để dễ dàng canh tác. Đến hiện nay, Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê gồm hàng trăm thửa ruộng với các kích thước khác nhau, nằm dọc theo hai triền núi thoai thoải, tạo nên vẻ đẹp nức lòng người, đặc biệt là vào mùa lúa chín.

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước 2

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê với vẻ đẹp bình dị và mộc mạc

1.3 Thời điểm lý tưởng đến Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê

Để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê thì bạn nên đến đây vào mùa lúa chín, khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hoặc tháng 11 dương lịch. Tuy nhiên, mỗi năm thời điểm lúa chín có thể sẽ khác nhau do phụ thuộc vào nông vụ. Nếu đến sớm thì bạn vẫn được ngắm nhìn cánh đồng đang chuyển mình chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Nhưng nếu đến muộn hơn thì chỉ còn lại những vạt đất trơ trụi mà thôi.

Bên cạnh đó, vì cần leo núi ngắm ruộng bậc thang và thác Đôi nên bạn hãy chọn ngày đẹp trời để thuận tiện di chuyển. Nếu đi vào ngày mưa, đường đất sẽ trơn trượt và khá khó đi, leo lên tới nơi thì quần áo, giày dép đều bị lấm bẩn. Không những vậy, đến xã Trang vào ngày đẹp trời, bạn còn có thể khám phá đời sống của người dân tại đây, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, con người ở một những xã hẻo lánh nhất huyện Đak Đoa, Gia Lai.

Xem thêm: Thác Yon Tok, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ còn ít người biết đến

2. Hướng dẫn đường đến Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê

Từ trung tâm thành phố Pleiku đến xã Trang, huyện Đak Đoa khoảng gần 30km. Tuyến đường dễ nhất là bạn đi Quốc lộ 19 về hướng Đồi thông Diên Phú để đến huyện Đak Đoa. Khi gặp chợ Đak Đoa thì rẽ phải vào đường Phan Đình Phùng khoảng 25km nữa là đến xã Trang. Từ đây, bạn hỏi đường người dân địa phương để lên ruộng bậc thang. Đường khá dễ đi nên bạn có thể chọn ô tô hoặc xe máy đều được. Đến nơi thì bạn có thể gửi xe nhờ nhà người dân để đi bộ leo lên núi ngắm ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước 3

Những thửa ruộng đang đơm bông, chuẩn bị bước vào mùa lúa chín

3. Có gì hấp dẫn ở Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê?

3.1 Vẻ đẹp của Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê sở hữu vẻ đẹp rất bình dị và mộc mạc. Nơi đây không hùng vỹ như ruộng bậc thang Sapa hay Mù Cang Chải do địa hình thoai thoải, độ cao chỉ khoảng 500m so với mực nước biển. Các thửa ruộng tại đây cũng chia thửa khá nhỏ, nhiều hình thù khác nhau chứ không chạy dài như ở khu vực Tây Bắc.

Thời điểm đẹp nhất của Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê là vào mùa lúa chín. Lúc này những thửa ruộng sẽ nhuộm lên một màu vàng trù phú và rực rỡ, ánh lên dưới tia nắng mặt trời. Đặc biệt, người dân Gia Lai canh tác hai vụ mỗi năm theo đặc trưng thời tiết nên khi lúa chín sẽ chín rộ đồng loạt, tạo nên một vẻ đẹp rực rỡ và trải dài hơn 50ha vô cùng đẹp mắt.

Người dân tại đây rất nhiệt tình và thân thiện với các đoàn khách ghé đến tham quan, du lịch. Bạn có thể thoải mái leo dọc theo những con đường mòn nhỏ, xem người dân gặt lúa, trò chuyện cùng họ để hiểu hơn về đời sống của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên vì địa hình của của Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê chỉ dốc nhẹ nên khi lên hình sẽ không được đẹp mắt. Vì vậy, nếu muốn chụp những hình ảnh ấn tượng thì bạn phải leo lên đỉnh núi hoặc chụp bằng flycam mới thấy được sự rộng lớn và hùng vỹ.

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước 4

Mùa vàng trên Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê với nét đẹp lao động của những người nông dân cần mẫn

3.2 Ngắm thác đôi tuyệt đẹp

Nằm ở cuối Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê sẽ là dòng thác Đôi hoang sơ, tuyệt đẹp. Thác gồm hai dòng chảy song song nhau, men theo vách núi đổ xuống phía dưới. Nguồn nước của thác Đôi được hình thành từ suối Đak Ơi và A Dit. Suối chảy xuyên qua Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê, đến vách núi thì tạo thành hai ngọn thác song song, cách nhau 20m. Nước từ thác đổ xuống vắt vẻo giữa vực sâu khoảng 150m, tạo thành khung cảnh mềm mại như mái tóc thiếu nữ mượt mà rũ xuống. Tuy không hùng vĩ như Thác Kty hay thác Kleng nhưng thác Đôi vẫn mang trên mình vẻ đẹp rất riêng biệt.

Tuy nhiên, lượng nước của thác Đôi không quá dồi dào. Vào giai đoạn mùa khô thì suối Đak Ơi và A Dit sẽ cạn dòng khiến Thác Đôi thiếu nước. Hiện nay, chỉ còn ngọn thác bên tay trái từ suối Đak Ơi là vẫn còn chảy đều, còn ngọn thác bên tay phải đã gần như khô cạn, chỉ còn dấu vết dòng chảy vẫn in hằn trên vách núi.

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước 5

Thác Đôi đổ xuống từ độ cao hơn 150m

Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước 6

Dòng thác bên phải đang ngày càng cạn dòng vì thiếu nước

Trên đây là một vài thông tin về Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê mà cẩm nang du lịch Chiasene.com muốn giới thiệu đến bạn. Hi vọng bạn sẽ sớm có cơ hội đến Gia Lai và chinh phục vẻ đẹp của ruộng bậc thang hoang sơ và bình dị này nhé.

Bạn có thích bài viết này?

10k Points
Upvote Downvote
Đăng ký
Thông Báo Khi
guest
0 Comments