Menu

Sắc màu rực rỡ đến từ làng dệt thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang

1. Giới thiệu tổng quan làng dệt thổ cẩm Lùng Tám

Cao nguyên đá là nơi làng dệt thổ cẩm Lùng Tám nổi danh, nằm cách cổng trời Quản Bạ Hà Giang không xa. Bản Hợp Tiến của xã Lùng là nơi đồng bào H’Mông sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Mảnh đất này là thung lũng nhỏ nằm giữa 4 bề núi đá có con sông Miện (Miệm) chảy qua.

– Địa chỉ: Quản Bạ, Hà Giang

Ngôi làng được hình thành từ năm 2001 khi mô hình hợp tác xã ra đời, ban đầu chỉ có 10 người dân sinh sống và tính đến nay đã có hơn 100 nhân khẩu. Du khách khi ghé làng dệt thổ cẩm Lùng Tám sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh người dân tất bật trong cuộc sống hằng ngày: phụ nữ H’Mông ngồi trước khung cửi khéo léo làm nên những tấm vải đẹp hay sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Đặc biệt nếu ghé thăm bạn còn có cơ hội mang về sản phẩm từ vải lanh tự nhiên.

Làng dệt không những mang lại thu nhập cho dư dân mà còn góp phần giữ gìn giá trị truyền thống lâu đời của người H’Mông. Hầu hết những người có quê cha đất tổ ở đây lớn lên đều tiếp nối nghề dệt của làng.

Sắc màu rực rỡ đến từ làng dệt thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang 2

Du khách chụp cùng trẻ em người H’Mông tại làng dệt thổ cẩm Lùng Tám. Ảnh: @loc_ptran

Xem thêm: Chinh phục Đèo Mã Pì Lèng – ‘Tứ đại đỉnh đèo’ của vùng núi đất Bắc

2. Hướng dẫn di chuyển đến làng

Từ trung tâm Hà Giang du khách sẽ phải chạy khoảng 50km để đến núi đôi Quản Bạ và cổng trời. Sau đó bạn tiếp tục đi thẳng theo con đường đèo về thị trấn Tam Sơn, sau khi qua cây xăng Tam Sơn vài km là sẽ thấy 1 đoạn Cua Tay Áo (thôn Cốc Mạ), có 7 khúc cua liên tiếp. Tới khúc cua thứ 7 thì bạn rẽ phải vào đường nhỏ để tới làng dệt thổ cẩm Lùng Tám.

Cung đường di chuyển đến làng. Ảnh: @loc_ptran

3. Khám phá những nét đặc sắc thu hút du khách nhất tại đây

3.1 Kỹ thuật dệt lanh độc đáo tại làng

Nghề dệt lanh tại làng dệt thổ cẩm Lùng Tám vốn đã xuất hiện từ rất lâu, không những mang đến nguồn thu nhập mà còn giúp lưu giữ truyền thống của người H’Mông. Hiện làng vẫn đang sản xuất nhiều sản phẩm như ví, khăn, quần áo, túi thổ cẩm, khăn trải bàn, vỏ gối, tấm trang trí… Điểm nhấn của các loại sản phẩm này chính là được làm hoàn toàn bằng vải lanh dệt tay theo phương pháp lâu đời.

Nguyên liệu chính được lấy từ những cây lanh được người dân trong bản hoặc vùng xung quanh trồng, họ lựa chọn giống rất kỹ. Người phụ nữ H’Mông khi đến độ trưởng thành cũng có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Sau khi thu hoạch cây lanh sẽ được ngâm và tiến hành tách thành những sợi nhỏ và mỏng. Tiếp theo sợi lanh được cuộn lại vào trong những khung quay, sau khi tách nhỏ mang đi luộc, hấp cho tới khi mềm thì thôi.

Người phụ nữ dân tộc đang tiến hành quay sợi lanh. Ảnh: @loominousuk

Quá trình nhuộm màu cũng diễn ra khá đặc biệt, hầu hết màu sẽ được chọn từ lá cây trồng trong rừng như củ nâu, chè, ổi… nên không hề có sự can thiệp của hóa chất công nghiệp. Người dân nơi đây thường chọn dệt vải lanh hơn vải bông bởi họ cho rằng nó có độ bền và chắc hơn. Ngoài ra theo quan điểm tâm linh thì họ cũng tin rằng vải lanh chính là cây cầu nối giữa con người với thế giới bên kia.

Người H’Mông dệt vải bằng khung cửi đai lưng, dệt xong thì sẽ tạo thành những tấm vải. Sau đó họ sẽ đem đi giặt nhiều lần cho thật trắng, trải lên khúc gỗ tròn và dùng phiến đá chà sáp ong lăn qua lăn lại tới khi vải mềm và sợi vải bóng hơn. Vải ngâm trong dung dịch chàm khoảng 1 tiếng sẽ được đem ra phơi, ráo nước thì ngâm vào dung dịch tiếp và lặp lại quá trình này 5-6 lần.

Kỹ thuật dệt thủ công vẫn được lưu truyền và sử dụng qua bao đời. Ảnh: @quynh_blue

Tiếp theo vải được đem đi nhuộm, quá trình nhuộm còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mấy hôm trời nắng thì chỉ 3-4 ngày là đã khô còn không thuận lợi mà trời mưa thì có thể kéo dài vài tháng. Bởi công đoạn nhuộm vải kỹ này mà màu chàm luôn có cảm giác tươi mới và bền lâu. Một trong những nét đặc biệt của vải lanh làng dệt thổ cẩm Lùng Tám đó chính là việc tạo hoa văn.

Toàn bộ họa tiết trên vải thực hiện bằng kỹ thuật thêu tay, đắp vải màu, vẽ hoa văn sáp ong. Người H’Mông còn sáng tạo ra việc dùng sáp ong để vẽ trên vải trắng theo những khối hình thoi hoặc hình vuông, bởi chúng đối xứng nhau giúp cho hoa văn trên tấm vải được bền hơn. Công đoạn này được đánh giá là khá khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo từ người thợ thủ công.

3.2 Ý nghĩa của làng dệt thổ cẩm Lùng Tám

Nhiều người già trong làng có niềm tin chính những sợi lanh đã chỉ đường cho người đã khuất về với tổ tiên, đầu thai làm người. Bên cạnh đó dệt vải lanh còn biểu hiện sự chăm chỉ, khéo tay và đây cũng là tiêu chí để đánh giá phẩm hạnh người phụ nữ. Trước khi gả đi người con gái H’Mông cũng phải biết dệt vải lanh và cô dâu sẽ được mẹ ruột dệt cho một bộ vải lanh. Sau khi về nhà chồng con dâu sẽ biếu cho mẹ chồng một bộ quần áo bằng vải lanh tự tay làm ra.

Với người phụ nữ H’Mông việc làm nên một tấm vải lanh tốt là niềm tự hào đặc biệt. Trong từng công đoạn dệt vải họ đều vô cùng chú trọng và tỉ mỉ áp dụng theo phương pháp thủ công từ xưa. Dân tộc H’Mông còn đưa ra nguyên tắc khi dệt là phụ nữ đang căng sợi luồn vào khung thì nam giới không được đến gần vì có thể làm đứt sợi hoặc luồn nhầm.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai của làng Lùng Tám trong gian hàng trưng bày tại Festival Áo dài Hà Nội 2016. Ảnh: Thanh Thuận

3.3 Sản phẩm vang danh vươn tầm thế giới

Hầu hết những sản phẩm dệt lanh tại làng dệt thổ cẩm Lùng Tám đều được xuất khẩu sang nước ngoài mà ít xuất hiện trong thị trường trong nước. Với đa dạng đủ loại sản phẩm như quần áo, túi xách, ví… chúng không chỉ được bày bán trong làng mà còn được sử dụng trong nhà hàng, khách sạn hay quán ăn… Mỗi sản phẩm đều được người dân chăm chút từ công đoạn đầu tiên và cũng thể hiện được văn hóa của người sống tại cao nguyên đá Hà Giang.

Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Lùng Tám còn được xuất khẩu đến hơn 20 nước như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sỹ… Dù ở đâu thì chúng cũng được ưa chuộng bởi nét độc đáo đến từ chất liệu đến hoa văn rực rỡ. Vải lanh vốn được biết đến là một chất liệu bền, có lợi cho sức khỏe, tạo được sự thông thoáng khi mặc, nên đây cũng được xem như là cơ hội để sản phẩm của làng Lùng Tám vươn xa hơn trong tương lai.

Sản phẩm do người dân trong làng làm nên. Ảnh: Làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang

3.4 Những trải nghiệm có được khi đến đây

Đến làng dệt thổ cẩm Lùng Tám du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu hoặc đích thân ngồi khâu, dệt cùng phụ nữ bản địa. Du khách được chứng kiến họ thực hiện từng đường kim mũi chỉ và sự kiên nhẫn hết sức để dệt nên một tấm vải. Từng công đoạn đều được họ nỗ lực làm bằng sự vất vả và tỉ mỉ nhất có thể. Ngày xưa, vải lanh hầu như dệt để may áo, váy dùng cho các dịp lễ lớn nhưng giờ thì đã được sử dụng để sản xuất thành nhiều đồ vật lưu niệm độc đáo.

4. Ghé thăm một số điểm gần đó

– Cao nguyên đá Đồng Văn: Nơi sở hữu cảnh quan tự nhiên và hoang sơ có lịch sử 400 – 600 triệu năm. Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với vẻ đẹp ngoạn mục cùng các giá trị văn hóa, dân tộc và cả những mùa hoa đẹp ngẩn ngơ.

– Rừng thông Yên Minh: Cách làng dệt thổ cẩm Lùng Tám không xa, băng qua cung đường gập ghềnh chúng ta sẽ đến với một cảnh sắc núi rừng Đông Bắc chả khác gì đang ở Đà Lạt. Đặc biệt hơn chính là cảm giác khi bạn được đón ánh nắng bình minh chiếu rọi, cảm nhận từng làn gió lạnh vỗ vào da giữa rừng thông bạt ngàn.

– Núi Quản Bạ: Tuyệt tác thiên nhiên có hai đồi núi tròn trịa, quyến rũ và săn chắc như bộ ngực của một cô tiên đang ngủ say giữa núi rừng. Từ trên đỉnh núi Quản Bạ chúng ta có thể nhìn xuống bên dưới là bạt ngàn sắc xanh của nương ngô.

Đừng bỏ qua cơ hội khám phá làng dệt thổ cẩm Lùng Tám nếu có cơ hội tới Hà Giang khám phá bạn nhé. Không chỉ có những sản phẩm vải lanh được làm thủ công rất đẹp mà chúng ta còn được hiểu thêm về nghề dệt ở vùng núi phía Bắc.

Bình Luận