Menu

Thác Thủy Tiên, cách sắc hữu tình giữa núi rừng Tây Nguyên

1. Đôi nét về thác Thủy Tiên

Vị trí: Xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk

Giá vé: Miễn phí

Thác Thủy Tiên với vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng là một điểm đến du lịch nổi bật tại tỉnh Đắk Lắk. Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56km về hướng Đông và cách trung tâm xã Ea Púk, huyện Krông Năng khoảng 8km, thác Thủy Tiên đã trở thành nơi mà biết bao người muốn ghé đến nếu có dịp du lịch Buôn Ma Thuột.

Thác Thủy Tiên, cách sắc hữu tình giữa núi rừng Tây Nguyên 2

Thác Thủy Tiên cuồn cuộn chảy siết. Ảnh: Phu Minh

Đặc biệt, vẻ đẹp của thác Thủy Tiên được tô đậm bởi những truyền thuyết dân gian của người Ê Đê, trong đó nổi bật là câu chuyện về nàng H’Năng dũng cảm với tấm lòng son sắt. Khi đến thác Thủy Tiên, bạn sẽ bị mê hoặc bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Đường vào thác là một hành trình qua những con đường đèo uốn lượn, xuyên qua những cánh rừng cao su, cà phê, mang đến những trải nghiệm thú vị và gần gũi với thiên nhiên.

Thác Thủy Tiên sở hữu cảnh sắc hữu tình. Ảnh: Dzung M

Thác Thủy Tiên Tiên gồm 3 tầng và mỗi tầng lại mang một vẻ đẹp riêng.

– Tầng thứ nhất với lòng thác nhỏ và dòng nước chảy êm dịu, hai bên là rặng rễ cây rủ xuống như một bức màn bí ẩn.

– Tầng thứ hai thu hút với các bậc đá lớn và dòng nước mát lạnh, tạo nên không gian lý tưởng để thư giãn và chụp ảnh.

– Tầng thứ ba cũng là tầng đẹp nhất với dòng nước đổ xuống mạnh mẽ từ trên cao mang lại cảm xúc mãnh liệt cho bạn mỗi khi được chiêm ngưỡng.

Ngọn thác này có ba tầng, mỗi tầng lại mang một nét đẹp riêng. Ảnh: Raptor Tài

2. Kinh nghiệm tham quan thác Thủy Tiên

2.1 Thời điểm tham quan

Thác Thủy Tiên sở hữu khí hậu cao nguyên đặc trưng với hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Thời gian lý tưởng nhất để bạn xách balo đến đây tham quan hoặc trekking và khám phá Thác Thủy Tiên là từ vào những tháng mùa khô. Trong khoảng thời gian này, bạn không chỉ có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của thác Thủy Tiên mà còn được chiêm ngưỡng sự nở rộ của hoa dã quỳ và hoa cà phê, khiến nơi đây trở thành một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc.

Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc tại khu vực xung quanh thác, mang đến cho bạn cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và phong tục tập quán của người dân nơi đây.

Dù Thác Thủy Tiên luôn xinh đẹp và đầy ắp nước quanh năm, nhưng bạn cần lưu ý đến tình hình thời tiết khi lên kế hoạch thăm thác. Bạn hãy tránh đi vào những ngày mưa lớn vì đường đi có thể trở nên trơn trượt và khó khăn hơn.

Bạn nên đến thác vào độ mùa khô, tức từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ảnh: Hai Phan Hong

2.2 Đường đến thác từ Buôn Ma Thuột

Để đi từ Buôn Ma Thuột đến Thác Thủy Tiên, bạn có thể đi bằng xe máy hoặc xe hơi. Từ Buôn Ma Thuột, bạn đi về phía Đông Bắc khoảng 56km. Khi đến huyện Krông Năng hãy tiếp tục lái xe về hướng xã Ea Púk khoảng 8km nữa để tới đường vào Thác Thủy Tiên. Đường đi chủ yếu là đường đèo uốn lượn, qua những cánh rừng cao su và cà phê, tạo nên một cảnh quan đẹp và thú vị​.

Đến nơi, bạn phải đi qua hơn 100 bậc thang nữa là sẽ đến được thác. Ảnh: Hiếu Nguyễn

2.3 Những trải nghiệm thú vị khi đến thác

2.3.1 Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tạo tác từ thiên nhiên

Đường vào thác Thủy Tiên tựa như một dải lụa uốn lượn với những cánh đồng cà phê và cao su xanh mướt. Xung quanh thác là cảnh núi rừng đan xen những tảng đá chồng chất lên nhau trong rất độc đáo. Dưới triền dốc, có thung lũng xanh tươi, con suối trong vắt và một chiếc cầu nhỏ.

Chỉ cần đứng từ xa là bạn đã có thể nghe tiếng nước chảy rì rào như mời gọi, dẫn lối bạn xuống thác sau khi băng qua hơn 100 bậc thang. Dòng thác đổ xuống êm đềm qua các tảng đá ngộ nghĩnh, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, huyền ảo như một nàng tiên ẩn mình trong rừng xanh.

Cảnh đẹp của thác khiến ai cũng phải trầm trồ. Ảnh: Niem Nguyen

2.3.2 Lắng nghe câu chuyện truyền thuyết về nàng H’Năng

Ngày xửa ngày xưa, ở một buôn làng nhỏ trên cao nguyên Đắk Lắk có nàng H’Năng xinh đẹp, dịu hiền và chung thủy. Nàng lấy chồng là chàng A Lô, một chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm.

Một ngày nọ, vùng đất nơi nàng H’Năng sinh sống bị hạn hán nghiêm trọng. Sông hồ cạn kiệt, cây cối héo úa, dân làng sống trong cảnh thiếu thốn, khổ sở. Chồng nàng H’Năng cùng các trai tráng trong buôn đã lên đường tìm vùng đất mới, nhưng đã mấy mùa trăng trôi qua mà vẫn chưa trở về.

Nàng H’Năng xót xa khi thấy dân làng đang sống trong cảnh chết khát, chết mòn. Nàng quyết định lên đường tìm chồng, tìm vùng đất mới để mang nước về cho dân làng. Nàng đi mãi, tìm mãi, cuối cùng ngã quỵ xuống giữa một lòng suối cạn.

Giàng thương xót cho tấm lòng chung thủy của nàng H’Năng nên đã làm mưa xối xả, các con sông, con suối chẳng mấy chốc lại đầy nước. Sự sống lại lan tràn khắp nơi, nhưng nàng H’Năng thì không sống lại được nữa. Tóc nàng trải dài theo con suối nhỏ và trở thành ngọn thác đẹp và duyên dáng như tấm lòng người con gái Ê Đê dịu hiền, chung thủy.

Người dân trong buôn đã lấy tên nàng H’Năng đặt cho dòng sông chảy qua vùng đất này. Từ đó, ngọn thác nơi nàng H’Năng ngã xuống được gọi là thác Thủy Tiên. Thác Thủy Tiên mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên.

Câu chuyện truyền thuyết về thác Thủy Tiên là một câu chuyện cảm động về tình yêu, lòng chung thủy và tấm lòng vị tha của người con gái Ê Đê. Câu chuyện đã trở thành một di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam và cũng gắn liền với ngọn thác xinh đẹp này.

2.3.3 Khám phá rừng nguyên sinh Ea Púk

Bao bọc thác Thủy Tiên là rừng nguyên sinh Ea Púk nằm ở xã Ea Púk, huyện Krông Năng. Ea Púk có nghĩa là “Suối Tóc” trong tiếng Ê Đê, là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm và là điểm du lịch sinh thái kết hợp hoang dã đầy hấp dẫn.

Rừng nguyên sinh Ea Púk là khu rừng thường xanh tự nhiên được bảo vệ khá tốt. Rừng có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Trong rừng có nhiều loại cây gỗ quý hiếm như: cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ… Ngoài ra, rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã như: hươu, nai, hoẵng, bò rừng,…

Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, rừng nguyên sinh Ea Púk còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như: Ê Đê, Tày, Mường, Dao, Mông… Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Đến với Ea Púk, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc thiểu số, tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống như: nghe dàn chiêng Ê Đê diễn tấu, nghe đàn tính của người Tày, nghe tiếng khèn của người Mông cùng nhiều hoạt động thú vị khác.

Rừng nguyên sinh Ea Púk được bảo tồn khá tốt. Ảnh: Van Thiep Dang

3. Những lưu ý khi tham quan thác Thủy Tiên

Khi thăm thác Thủy Tiên, bạn cần lưu lại một số điều sau vào cẩm nang du lịch của mình để có một chuyến đi thú vị và trọn vẹn nhé:

– Bạn cần chú ý đến thời tiết, mặc trang phục thoải mái, chuẩn bị kem chống nắng, chống côn trùng, mang theo đồ bơi và quần áo dự phòng.

– Nếu dự định cắm trại, hãy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ vì gần thác chưa có dịch vụ cho thuê lều trại.

– Thác Thủy Tiên là điểm du lịch hấp dẫn, đừng quên thưởng thức các đặc sản địa phương như cà phê H’Năng, gà nướng Bản Đôn, lẩu rau rừng và nhiều món khác.

– Mang theo dụng cụ y tế cần thiết và giày thể thao chống trơn để đảm bảo an toàn khi trekking.

Hãy có một chuyến đi an toàn và trọn vẹn bạn nhé. Ảnh: Mandala Home

Khi rời thác Thủy Tiên bạn chắc chắn sẽ mang theo những kỷ niệm đáng nhớ, từ tiếng nước reo vui đến hình ảnh của thiên nhiên hùng vĩ và những truyền thuyết huyền bí. Thác không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi gắn kết truyền thống văn hóa địa phương. Chiasene.com tin rằng đây chắc chắn sẽ là một điểm đến không thể quên trong hành trình khám phá Đắk Lắk của bạn.

Bình Luận