Menu

Về Hà Giang, thưởng thức đặc sản gạo Già Dui Xín Mần luôn cháy hàng

1. Giới thiệu sơ lược về gạo Già Dui Xín Mần

Hà Giang là một tỉnh miền núi, nơi địa đầu của Tổ quốc, được hội xê dịch chọn là điểm đến để chinh phục trong bản đồ du lịch. Nơi đây nổi tiếng khi sở hữu phong cảnh núi non hùng vĩ, cao nguyên đá Đồng Văn đẹp mê hồn, những con đèo uốn lượn trên mây, đầy hiểm trở thử thách lòng can đảm, nhiều lễ hội phong phú, cùng vài địa danh không thể ngó lơ như Cổng trời Quản Bạ, Núi Đôi Quản Bạ, Núi Cấm Sơn Hà Giang, Bát Đại Sơn – Quản Bạ… Nhưng ít ai ngờ rằng mảnh đất hùng vĩ nhưng có phần khắc nghiệt này lại là nơi sản sinh ra nhiều đặc sản độc đáo, đậm chất một vùng cao miền cực Bắc, nào là Thịt trâu gác bếp Hà Giang, Chè Shan Tuyết Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ – Hà Giang… Trong đó, sẽ thật đáng tiếc nếu như không nhắc đến gạo Già Dui Xín Mần. Đây là một trong các sản vật có nguồn gốc từ thiên nhiên của tỉnh Hà Giang, được nhiều du khách mua và vác vài kg trở về làm quà trong chuyến hành trình vi vu đến đây.

Xem thêm: Ba kích rừng Hà Giang – Loại thảo dược quý trên cao nguyên đá

Về Hà Giang, thưởng thức đặc sản gạo Già Dui Xín Mần luôn cháy hàng 2

Vào ngày 28/9/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra cấp Giấy chứng nhận đăng ký chủ dẫn địa lý số 00057 cho sản phẩm gạo Già Dui Xín Mần

Hiện nay, giống lúa Già Dui được trồng nhiều ở Hoàng Sù Phì, nhất là thôn Lùng Tráng, xã Thèn Phàn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang và được xem là quà tặng quý giá của thiên nhiên đối với con người của vùng cao nguyên đá.

Gạo Già Dui Xín Mần là đặc sản của vùng cao nguyên đá Hà Giang

2. Thời vụ gieo trồng của gạo Già Dui Xín Mần

Có lẽ bạn chưa biết, gạo Già Dui Xín Mần được bà con nông dân vùng cao trồng chỉ duy nhất một vụ, từ cuối tháng 5 cho đến trung tuần của tháng 6 âm lịch, trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại, vô cùng nên thơ, ở độ cao từ 1100m đến 1200m so với mực nước biển. Thời gian sinh trưởng của loại lương thực này là tầm từ 120 đến 130 ngày, cây cao trung bình khoảng 65cm – 75cm, thân cứng, lá thẳng, chịu phân chuồng và rất ít sâu bệnh. Sau đó, mỗi năm đến tháng 10 và 11 dương lịch thì lúa chín, bà con sẽ ra ruộng thu hoạch. Có thể là do yếu tố tự nhiên như khí hậu nhiệt đới gió mùa kết hợp với á nhiệt đới vùng núi cao, nhiệt độ trung bình khoảng từ 18 đến 21 độ C, thổ nhưỡng tốt…nên nơi đây rất lý tưởng để trồng loại gạo Già Dui Xín Mần này.

Người dân trong những năm qua đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chăm sóc

Đặc biệt, theo kinh nghiệm của “thổ địa” trong vùng, thì các tín đồ cuồng chân nên đến cao nguyên đá Hà Giang vào mùa lúa chín, tầm tháng 10 và tháng 11. Lúc này là thời điểm đẹp nhất trong năm để du khách có thể vi vu ghé thăm Hoàng Su Phì hay Xín Mần, khám phá các góc nhìn mới mẻ và lạ lẫm của những thửa ruộng bậc thang trải rộng tầm mắt. Để rồi khi dạo một vòng Facebook, bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh đẹp về “biển lúa vàng” đến tận chân trời. Những hình ấy vừa rực rỡ, vừa nên thơ cũng khiến dân tình nôn nao, muốn lên đường ngay cho kịp thưởng thức vẻ đẹp của mùa lúa chín vàng rực.

Ngoài ngắm mùa lúa chín nở vàng rực, dân phượt và những tay săn ảnh còn “tậu” về gạo Già Dui Xín Mần thơm ngon

3. Gạo Già Dui Xín Mần có gì đặc biệt hơn những loại gạo khác?

Để giúp bạn có thể phân biệt gạo Già Dui Xín Mần với những loại gạo khác, Chiasene.com sẽ đưa ra những đặc điểm để nhận dạng nhé! Loại gạo này hơi tròn giống như hạt gạo nếp, ngắn trung bình khoảng 5.59 đến 5.88mm, không thon dài như những loại khác, dưới bụng còn có những chấm trắng. Hơn nữa, về màu sắc, hạt gạo này có màu trắng đục, vỏ cám có màu ánh nâu, mùi thơm nhẹ khá đặc trưng. Đặc biệt sau khi nấu lên, cơm từ loại này sẽ trở nên dài, mềm dẻo, có mùi thơm thoang thoảng và vị ngọt đậm rất dễ chịu, giúp bữa ăn thêm phần ngon miệng hơn.

Khi dùng gạo Già Dui Xín Mần để nấu cơm, cả gia đình của bạn sẽ phải tấm tắc khen

Ngoài ra, một ưu điểm nữa mà gạo Già Dui Xín Mần khác với những loại trên thị trường, chính là khi bạn thưởng thức cùng với các món canh, thì hạt cơm không hề bị vữa ra đâu nhé! Còn nếu bạn không “vét” sạch cơm trong bữa, thì có thể để vài giờ sau dùng tiếp cũng được. Hạt cơm Già Dui vẫn còn rất dẻo và giữ được mùi thơm luôn.

4. Vì sao gạo Già Dui lại được xem là đặc sản quý tại Việt Nam?

4.1 Gạo Già Dui Xín Mần trên thị trường

Nhờ chất lượng trên cả tuyệt vời, nên gạo Già Dui Xín Mần đã chiếm một chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, hàng năm, gạo này lại cho sản lượng cực kỳ thấp, nên dường như lại chỉ đáp ứng được nhu cầu của tỉnh Hà Giang thôi. Thậm chí, mặt hàng này luôn trong tình trạng không có để bán cho những tỉnh thành khác. Ngoài ra, nhiều đồng bào dân tộc trồng loại gạo này ở đây, sau khi thu hoạch chỉ muốn giữ lại thật nhiều. Chính vì thế, đối với những bạn ở trong Nam hay miền Trung sẽ cảm thấy cái tên gạo Già Dui Xín Mần khá là lạ lẫm đó. Đây chính là lý do khiến loại gạo này càng quý và dần dần trở thành thứ đặc sản của tỉnh cao nguyên đá lúc nào không hay.

4.2 Hàm lượng chất dinh dưỡng có trong gạo Già Dui Xín Mần

Gạo là thực phẩm quan trọng, không thể thiếu trong các bữa cơm của hầu hết các gia đình Việt. Trong đó, gạo Già Dui Xín Mần ngoài hương vị thơm ngon tự nhiên, mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Do đó loại lương thực này thích hợp với người có nhu cầu dinh dưỡng cao như trẻ nhỏ hay phụ nữ trong quá trình mang thai.

– Tinh bột: 66,36 – 72,93 (%)

– Protein: 8,54 – 9,36 (%)

– Vitamin B1: 0,104 – 0,115

– Amylose: 13,64 – 14,51 (%)

Gạo Già Dui Xín Mần chứa hàm lượng cao chất dinh dưỡng

4.3 Sự phát triển của gạo Già Dui Xín Mần

Người dân ở đây canh tác luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên gạo Già Dui Xín Mần luôn đạt “điểm 10 chất lượng”. Không chỉ vậy, nhờ vào việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình hữu cơ, và thực hiện mô hình cánh đồng mẫu theo phương pháp “5 cùng”, nên loại gạo này sinh trưởng, đồng thời phát triển rất tốt.

Theo thống kê, năm 2020, toàn thôn Lùng Tráng có 235 ha lúa gồm đầy đủ loại, trong đó, diện tích lúa Già Dui là khoảng 45 ha. Năng suất lúa ước đạt khoảng 55 tạ/ha và giá bán trung bình khoảng 13.000 đồng/kg thóc khô, dao động từ 22.000 – 25.000/kg gạo đối với gạo thành phẩm, cao gấp gần 2 lần so với các loại gạo tẻ nội địa khác. Ngày nay, lúa Già Dui đã trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu ở thôn Lùng Tráng và là loại lương thực giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

5. Địa chỉ mua gạo Già Dui Xín Mần ở đâu?

Như nói sơ qua ở trên, thì gạo Già Dui Xín Mần chỉ xuất hiện phổ biến trong tỉnh Hà Giang, nên du khách phải tìm đến tận nơi để mua, chứ trong các siêu thị, cửa hàng địa phương khác sẽ thường không có. Bạn có thể tham khảo địa chỉ này: HTX Dịch vụ tổng hợp Thèn Phàng – xã Thèn Phàng – tỉnh Hà Giang.

Có lẽ vì độ thơm ngon của mình nên gạo Già Dui Xín Mần thường sẽ xuất hiện trong những mâm cơm thiết đãi khách quý khi đến thăm nhà của người Hà Giang. Chính vì thế, các du khách khi vi vu đến Hà Giang phải mua thứ đặc sản vùng cao này về làm quà cho bạn bè và người thân nhé!

Bình Luận