Menu

Về thăm Cây đa làng Ghè 200 năm tuổi linh thiêng và cổ kính

1. Đôi nét về Cây đa làng Ghè

1.1 Cây đa làng Ghè có từ bao giờ?

Người dân làng Ghè không thể nào nhớ chính xác thời điểm mà cây đa khổng lồ này được trồng xuống. Theo lời già làng Kpuih Ố thì tuổi cây đa bằng tuổi 4 đời người rồi. Còn theo con cháu của cụ Chơng – Người trồng nên cây đa này thì tuổi đời của nó vào khoảng hơn 200 năm.

Ban đầu, cụ Chơng trồng cây đa với mục đích để lấy bóng râm và làm thân cây lớn cho những cây dây leo bám vào đó mọc lên. Trải qua nhiều thế hệ, cây đa không ngừng lớn lên, trở thành tài sản chung của làng từ lúc nào không hay. Con cháu của cụ Chơng cũng rất vui vẻ và tự hào khi gốc đa mà tổ tiên mình trồng đã trở thành cây thiêng của cả làng.

Bao quanh gốc Cây đa làng Ghè là khu rẫy thuộc về hai người cháu đời thứ 4 của cụ Chơng, phần đất mà cụ chia lại cho con cháu và vẫn được họ gìn giữ cho đến tận ngày nay. Khu đất trồng cà phê là chủ yếu nhưng xung quanh gốc đa thì bỏ trống để dân bản có thể tổ chức các nghi lễ và cúng bái dưới gốc đa thiêng.

Về thăm Cây đa làng Ghè 200 năm tuổi linh thiêng và cổ kính 2

Cây đa làng Ghè hơn 200 năm tuổi, phát triển thành thân cây vô cùng to lớn, những thân phụ cắm xuống lòng đất vững chắc

Xem thêm: Ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước

1.2 Sự khổng lồ của gốc đa làng Ghè khiến nhiều người choáng ngợp

Cây đa làng Ghè được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” vào năm 2016, từ đó cũng được nhiều người biết đến và ghé thăm hơn. Bởi vì tại Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, hiếm thấy có nơi nào giữ được một cây đa to lớn và lâu đời như vậy. Theo tính toán thì cây đa này có chiều cao lên đến 45m, tán cây có sức che phủ gần 300m2, chu vi gốc là 12,5m và có 8 thân phụ. Cây đa di sản này cũng đã được chính quyền địa phương giới thiệu trong bản đồ du lịch của huyện Đức Cơ, trở thành điểm Check-in Gia Lai ngày càng nhiều người biết đến.

1.3 Những lưu ý khi ghé thăm Cây đa làng Ghè

Tuy là gốc đa trăm năm tuổi nổi tiếng với sự linh thiêng nhưng tại đây không có miếu thờ. Vì thế, nếu bạn muốn dâng lễ thì chỉ nên chuẩn bị vài món đơn giản như gói bánh, gói kẹo hoặc trái cây, thêm nhang đèn nữa là đủ. Đến nơi thì bạn đặt lễ dưới gốc đa, thành tâm dâng hương, Chiasene.com tin là lòng thành của bạn sẽ được thần linh đón nhận.

Để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống của người Jrai tại xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ thì bạn nên chọn đến đây vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch. Lúc này là thời điểm người dân tổ chức Lễ mừng lúa mới, cúng giọt nước và cúng nhà rông dưới Cây đa làng Ghè. Những lễ hội này mang đậm bản sắc văn hóa của người Jrai với những phong tục truyền thống và không khí tưng bừng, náo nhiệt.

Thân cây vô cùng to lớn, là điểm check-in ngày càng thu hút những bạn trẻ đam mê khám phá. Ảnh: Ngô Thị Diễm My

Thân cây cổ kính và uy nghi, nằm ngay bên cạnh giọt nước của làng. Ảnh: Ngô Thị Diễm My

2. Hành trình Cây đa làng Ghè trở thành Cây di sản Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà cây đa làng Ghè lại có thể tồn tại vững vàng qua hàng trăm năm như vậy. Đáng lẽ khi trồng trong khu đất dùng để sản xuất thì việc chiếm một khoảng không gian rất lớn như thế này sẽ khiến cây đa sớm đi đốn bỏ. Thế nhưng, người nhà cụ Chơng và cả làng Ghè đều đồng lòng bảo vệ gốc đa chính vì sự linh thiêng và ý nghĩa của nó đối với lịch sử của vùng đất này.

Theo lời kể của già làng Kpuih Ố thì trước đây cũng từng có nhiều người mang ý định đốn bỏ cây đa. Thế nhưng đều không làm được, đến đêm về còn nằm ngủ mơ ác mộng, bị hù dọa vì hành động xâm phạm đến gốc đa khổng lồ. Nhiều lần như vậy khiến dân làng tin rằng cây đa linh thiêng và là nơi trú ngụ của thần linh nên không ai được mạo phạm. Đời trước truyền qua đời sau, dần dần các lễ hội của người làng Ghè thay vì làm ở sân nhà rông đã được đưa ra tổ chức dưới gốc đa. Ngay bên cạnh cây di sản là giọt nước của làng – Một hồ nước nhỏ, trong veo quanh năm. Vì thế, người dân tin rằng gốc đa chính là linh hồn, là vị thần bảo vệ nguồn sống và sự yên ổn của làng bản, không ai dám mạo phạm.

Từ năm 1965 trở đi, vì chiến tranh ác liệt nên người làng Ghè đã phải sơ tán, lập làng tạm ở khu vực Bàu Cạn thuộc huyện Chư Prông ngày nay để tránh bom đạn của kẻ địch. Đến năm 1975, khi đất nước giải phòng, người dân quay trở lại quê cũ, vẫn thấy Cây đa làng Ghè sừng sững ở đó nên lại càng tin vào sự linh thiêng của gốc đa trăm năm tuổi.

Kể từ khi Cây đa làng Ghè được công nhận là Cây di sản Việt Nam thì ngày càng nhiều người review Gia Lai chọn ghé lại đây tham quan. Do đó, theo định kỳ, thanh niên và phụ nữ trong làng sẽ phát động dọn dẹp và phát cỏ dại quanh gốc đa, giữ cho khuôn viên được sạch đẹp, gọn gàng.

Người dân chọn tổ chức lễ hội và sinh hoạt văn hóa dưới gốc đa vì tin tưởng vào sức mạnh tâm linh và sự bao bọc của thần linh đang trú ngụ trong cây cổ thụ trăm năm tuổi này

Trên đây là một vài thông tin về Cây đa làng Ghè mà cẩm nang du lịch Chiasene.com muốn giới thiệu đến bạn. Chúc bạn sớm có cơ hội khám phá gốc đa linh thiêng này và hiểu hơn về đời sống của những dân tộc miền núi Gia Lai nhé.

Bình Luận